Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị về thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại biểu tham quan triển lãm “Kết nối thành tựu 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam” |
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao ý kiến các đại biểu; đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện các giải pháp, nhóm giải pháp, từ đó có kế hoạch triển khai cụ thể, hiệu quả trong thời gian tới.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín tại thị trường của trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc. Công nghiệp chế biến gỗ phát triển đã tạo ra trên 500.000 việc làm trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Ngành cũng đã gián tiếp tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi tham gia trồng rừng nguyên liệu, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Phó Thủ tướng đánh giá, có được kết quả trên là do ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã chủ động, kịp thời ứng phó, có nhiều giải pháp hay, cách làm mới phù hợp với diễn biến của thị trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp chế biến lâm sản tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư mở rộng mặt bằng, quy mô, nâng công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; tăng cường quản trị doanh nghiệp, để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, hợp pháp, đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đầu vào quan trọng của chuỗi cung ứng.
“Việt Nam hiện đã có trên 300.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. Đây là thành quả của công tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao; quyết liệt chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích trồng rừng sản xuất bền vững trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra không ít khó khăn, thách thức trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị |
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án kiểm kê rừng theo Nghị quyết 118/NQ-CP, Chiến lược và Quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, các chương trình và đề án liên quan. Đây là những cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lâm nghiệp, nhất là chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chế biến, thương mại lâm sản; Cơ chế chính sách về thuế, đất đai, khoa học và công nghệ, đầu tư, tín dụng để khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, liên kết trồng rừng gỗ lớn, chế biến, thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị, trong đó lưu ý cần có chính sách về tổ chức phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, tránh tình trạng manh mún, chất lượng không cao như hiện nay; Cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có quy mô, tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tích cực, chủ động phát triển thành các doanh nghiệp đầu tàu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành cùng phát triển.
Các ngành chức năng tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ngành chế biến gỗ. Trong đó, xây dựng Trung tâm triển lãm thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ có tầm cỡ khu vực và thế giới; Xây dựng một số Khu Lâm nghiệp công nghệ cao để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lâm sản phù hợp với lộ trình, mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025.
Chúng ta cần phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ lớn đến chế biến, thương mại lâm sản; Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chế biến lâm sản liên kết chặt chẽ, có sự phân công chuyên môn hóa cao về sản xuất chủng loại, chi tiết sản phẩm để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường; ưu tiên phát triển các sản phẩm chiến lược, có nhu cầu lớn, có độ ổn định, giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của Việt Nam.
Các đơn vị tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo thông qua việc cải thiện chương trình đào tạo, tổ chức dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp, ưu tiên phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; Phấn đấu đưa nâng cao năng suất lao động năm 2025 tăng 20% so với năm 2020.
Các đơn vị khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường vào ngành chế biến gỗ, giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ, máy móc tự động hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Quang cảnh Hội nghị |
Các cơ quan cần phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu gỗ Việt; Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nội địa; duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường chính (như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…); chủ động xúc tiến thương mại vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối sản phẩm gỗ Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường truyền thống, chuyển đổi phương thức bán hàng từ cách truyền thống (offline) sang hình thức bán hàng online.
Bộ Công thương chủ trì, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu gỗ Việt và tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, phòng chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn thông qua cải thiện, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh, công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn.
Đến năm 2025, chúng ta phấn đấu có ít nhất 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng trên 80% nguyên liệu trong nước cung cấp cho ngành chế biến gỗ.
Tại Diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến và cũng là yêu cầu từ nay đến năm 2025 trồng 1 tỷ cây xanh. Đây là thông điệp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì sớm cụ thể hoá thông điệp này của Thủ tướng thành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu; 100% doanh nghiệp chế biến cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, gian lận thương mại, bảo vệ doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trên thị trường trường quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, nghiên cứu xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ rừng liên kết trồng rừng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng có chu kỳ kinh doanh từ 10 năm tuổi trở lên tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2021-2030.
Các hiệp hội gỗ và lâm sản thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, có kế hoạch, động viên, khích lệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản.
Các doanh nghiệp giữ vững tinh thần làm việc sáng tạo, năng động để tiếp tục duy trì sự phát triển sản xuất, chế biến lâm sản, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần vào thành công chung của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 là rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.
Phó Thủ tướng tin rằng với sự quyết tâm, khát vọng vươn lên, với tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản sẽ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021và giai đoạn 2021-2025 góp phần phát triển kinh tế đất nước, phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.