Phối hợp hiệu quả, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT
Nhiều thành tựu đáng tự hào
Công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHYT ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu. Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, số người tham gia BHYT tăng trưởng vượt bậc qua các năm: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 57% (năm 2009) lên 74,7% (năm 2015 – năm đầu tiên Luật BHYT sửa đổi 2014 có hiệu lực) và tính đến hết tháng 6/2023 đã đạt gần 92% với gần 91 triệu người tham gia BHYT.
Kết quả này cho thấy, hầu hết người dân đã tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Đây là tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu đạt 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân đề ra.
Cùng với đó, cơ hội để người dân được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng mở rộng, số lượt khám chữa bệnh BHYT được quỹ BHYT chi trả tăng cao. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền giám định, thanh toán trên 57 nghìn tỷ đồng. Chính sách BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ “tiền túi” của người dân cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT lên đến hàng tỷ đồng.
Người dân có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để tham gia khám chữa bệnh |
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, bao gồm: Xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT; Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT…; Kịp thời có những giải pháp hiệu quả trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHYT theo Luật định.
Cụ thể, ngành BHXH đã phối hợp với Bộ Y tế trong xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về BHYT. Ngành đã cung cấp các dữ liệu về khám chữa bệnh, chi phí khám chữa bệnh, tổng kết các kết quả đạt được, phân tích các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách và đề xuất sửa đổi phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện như Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật đấu thầu (đối với đấu thầu thuốc và vật tư trang thiết bị y tế), Nghị định sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số biện pháp thi hành Luật BHYT.
Giai đoạn dịch bệnh COVID-19, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phù hợp với giai đoạn dịch bệnh, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh: Ký hợp đồng với các cơ sở điều trị COVID-19, tăng thời gian cấp thuốc ngoại trú bệnh mãn tính lên 3 tháng, giải quyết các vướng mắc trong thanh toán bệnh COVID kết hợp với bệnh nền.
Luôn đặt quyền và lợi ích của người dân lên hàng đầu
BHXH Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp Bộ Y tế theo dõi, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT
Với sự kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh và ứng dụng hệ thống giám định điện tử, việc quản lý, giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT đã đạt được nhiều kết quả, các cơ sở khám chữa bệnh ngày một tuân thủ tốt hơn các quy định của Bộ Y tế. Nếu năm 2017 số chi phí giảm trừ là 2.584 tỷ đồng, năm 2021 giảm trừ hơn 1.414 tỷ đồng đến năm 2022 còn 955 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam đã tham gia các Hội đồng đấu thầu mua sắm thuốc từ trung ương đến địa phương đã góp phần giảm các sai sót trong đấu thầu. Trong các năm gần đây, giá thuốc ngày một giảm và không có sự chênh lệch cao giữa các địa phương.
Ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế đã đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT |
Ngành BHXH cũng giám sát chặt chẽ việc đăng ký hành nghề, hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT và kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Đặc biệt, góp phần minh bạch hơn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh phải liên thông dữ liệu hằng ngày lên cổng thông tin giám định BHYT vừa giúp giám sát việc chỉ định điều trị và lạm dụng BHYT từ phía nhân viên y tế và người bệnh.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân để khám chữa bệnh BHYT, thay cho thẻ BHYT giấy để đi khám chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho người dân khi làm các thủ tục khám chữa bệnh…
Như vậy, với mục tiêu đặt quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT lên hàng đầu, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế đã đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT với mục tiêu phát triển bền vững BHYT toàn dân.
Thời gian tới, với việc sửa đổi Luật BHYT, rất cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa hai Ngành trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện chính sách, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ BHYT.