Phóng viên trẻ xông pha nơi tuyến đầu “chống giặc” Covid-19
Chuyện tác nghiệp của phóng viên thời Covid |
“Tâm dịch nào cũng từng đi qua”
Là phóng viên trẻ, năng động, anh Vũ Xuân Ân - Báo Tiền phong có nhiều trải nghiệm khó quên trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhớ lại đêm 28/1, lúc ấy, Ân đang chuẩn bị một vài vật dụng thiết yếu vào chiếc balo nhỏ chuẩn bị lên đường về tâm dịch Chí Linh (Hải Dương) tác nghiệp trước giờ phong tỏa. Chuyến đi này không phải lần đầu vào tâm dịch nên anh thao tác rất nhanh gọn.
Chiếc lều dựng tạm khi tác nghiệp của phóng viên Vũ n (báo Tiền phong) và Kiên Trung (báo Vietnamnet) |
“Khi ở giữa Thủ đô, nghe những tin cập nhật về dịch bệnh, tôi nghĩ nó rất bình thường. Tuy nhiên, khi đặt chân tới địa phương, trực tiếp vào bệnh viện dã chiến, tôi mới thực sự thấy tình hình nguy cấp, căng thẳng đến mức nào. Những ngày tháng “ăn ngủ cùng Covid-19” bắt đầu từ đó. Cả cơ thể và tinh thần cũng dần quen với nhịp sống ở điểm nóng. Hai điều quan trọng nhất đối với phóng viên nơi tâm dịch là tác nghiệp nhanh, hiệu quả nhưng an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Mỗi khi có họp khẩn trong đêm hay diễn biến mới là anh em lại “chồm dậy”, vơ vội chiếc máy ảnh rồi đi luôn”, anh Ân chia sẻ.
Cuộc sống nơi tâm dịch của những phóng viên báo chí như anh Ân là chuỗi ngày quên mình vì công việc. Tình hình dịch bệnh ở Chí Linh (Hải Dương) vừa tạm lắng không lâu thì Bắc Giang lại trở thành ổ dịch phức tạp mới. Anh Ân lại nhận nhiệm vụ của cơ quan, tự đi xe máy, lặn lội hàng trăm cây số từ Hà Nội về Bắc Giang tác nghiệp. Có lần anh đi vài ngày, có lần vài tuần, thậm chí kéo dài cả tháng.
Chuyến đi này cũng vậy, anh Ân tâm sự: “Chắc khi nào Bắc Giang hết dịch, tôi mới về”. Nguy hiểm từ nguy cơ nhiễm Covid-19 là một phần, quá trình tác nghiệp của phóng viên ở vùng dịch cũng khó khăn không kém. “Mỗi thước phim, tấm ảnh gửi về từ tâm dịch đều là bao tâm huyết chúng tôi gửi vào đó. Nơi điểm nóng người ta tránh ra xa thì nhà báo lại lao vào. Biết là khó đấy nhưng nếu ai cũng tránh thì ai sẽ làm, ai sẽ là người “vận chuyển” thông tin cho cộng đồng để cảnh báo người dân”, anh Ân nói.
Không chỉ có Xuân Ân, phóng viên Kiên Trung (báo Vietnamnet) cũng là một trong những “tay máy” năng nổ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
“Lúc đi làm cường độ cao lắm, anh em chỉ tập trung công việc là trên hết mà chẳng còn vui thú gì khác. Mỗi lúc rảnh rỗi ngắn ngủi lại tranh thủ trò chuyện, tâm sự cho vơi nỗi nhớ nhà, tiếp sức mà dìu dắt nhau qua những ngày tháng khó khăn này. Có những khi khách sạn đóng cửa, anh em phải ngủ nhờ trong trường học, dựng lều trại cũng vất vả mà giờ nghĩ lại thấy vui vì đó mới là những giây phút thực sự được sống với nghề, được xả thân vì tình yêu nghề báo”, Kiên Trung chia sẻ.
Phóng viên Tiến Huy cùng lãnh đạo kiểm tra cơ sở vật chất tại bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương |
Trực tiếp tác nghiệp nhiều ngày tại địa phương có dịch Covid-19 của Hải Dương, anh Nguyễn Tiến Huy, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội Báo Hải Dương luôn sẵn sàng ứng phó nếu mình trở thành F1, F2, thậm chí là F0.
Anh Huy cho rằng: “Mỗi phóng viên báo chí vào điểm nóng đều xác định có khả năng lây nhiễm rất cao. Dịch bệnh bùng phát, người dân hoang mang cũng là lúc nhiều nguồn tin sai lệch dễ len lỏi. Thế nên, để tiếp cận được những thông tin chính thống, phóng viên phải đích thân vào khu điều trị, khu cách ly khi được cho phép”.
Sau nhiều ngày tác nghiệp từ Chí Linh rồi tự cách ly tại nhà, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) lại xuất hiện ổ dịch mới, anh Huy tiếp tục lên đường và giữ vai trò chính. Sức còn khỏe thì phải xông pha đi đầu vậy. Nhưng cũng chính những chuyến đi vào điểm nóng như vậy khiến anh có nhiều kỉ niệm đáng nhớ với nghề. “Nhiều khi làm mệt rồi mà thấy còn thừa suất cơm cũng xin mà ăn vội thôi, chẳng còn ngại ngần hay câu nệ gì nữa”, anh Huy nói.
Gác lại nỗi niềm riêng mà đi chống dịch
Là phóng viên trẻ tuổi của phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang, Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1994) luôn có mặt tại các điểm nóng ngay khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện.
Nhìn lại 15 ngày ròng rã tác chiến cùng “Tổ phản ứng nhanh Covid-19”, Quang không khỏi xúc động: “Những ngày dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Bắc Giang cũng là những ngày nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, bố mẹ tôi nhìn con mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít, vác máy quay vào các tâm dịch Núi Hiểu, Vân Trung mà không khỏi xót xa. Dù vẫn cố gắng dằn lòng động viên con hoàn thành nhiệm vụ nhưng tôi biết họ vẫn ngày đêm mất ngủ vì lo nghĩ”.
Phóng viên Minh Quang tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang |
Với các nhà báo, phóng viên nói riêng và toàn thể đội ngũ y bác sỹ, chiến sỹ lúc này, vào tâm dịch không chỉ là những chuyến công tác đơn thuần theo chức trách được giao mà còn là tâm huyết cùng người dân cả nước vượt qua dịch bệnh. Quang hiểu điều đó nên luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan giao.
Nhớ lại kỉ niệm không thể nào quên khi đi phòng, chống dịch, Minh Quang tâm sự: “Đó là khoảnh khắc tôi chứng kiến những nữ tình nguyện viên nhỏ nhắn mặc lên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức suốt 24 giờ để lấy mẫu xét nghiệm, đưa vào Labo đến tận 2-3 giờ sáng. Nhiều sinh viên từ Học viện Quân y, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vì mất nước, kiệt sức mà ngất xỉu thì có ngay các đoàn khác lên hỗ trợ.
Bộ đồ bảo hộ được lột bỏ cũng là khi những đôi bàn tay nhăn nheo vì ngâm mồ hôi cả ngày lộ ra; những khuôn mặt, tấm lưng đỏ au vì cháy nắng; bộ quần áo thì vắt được ra mồ hôi như người vừa đi tắm,… Cứ thế, những giọt mồ hôi xen nước mắt mặn chát vẫn chảy trên người các tình nguyện viên, sâu bên trong họ là dòng máu nhiệt huyết, yêu nghề nhấn chìm đi tất cả”.
Những cống hiến không mệt mỏi của Quang cũng như tất cả các y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch ấy đã được đền đáp bằng thành quả ngọt ngào. Đến nay, các ổ dịch tại Bắc Giang cơ bản được kiểm soát, chính quyền tỉnh Bắc Giang đặt quyết tâm cao độ tới ngày 21/6 sẽ không còn ca nhiễm mới trên toàn tỉnh.
Quang chia sẻ: “Lực lượng tuyến đầu chống dịch từ Trung ương và địa phương, đội ngũ chi viện từ các tỉnh đã không chần chừ, do dự mà lao vào tâm dịch. Dù từng có những ngày có thêm hàng trăm ca nhiễm mới, sự mệt mỏi quá giới hạn tưởng chừng đã đánh gục những chiến sỹ tại đây thì cũng có những ngày hàng chục bệnh nhân được ra viện. Mỗi nụ cười hạnh phúc và lời cảm ơn chân thành sau chiếc khẩu trang như một liều thuốc thần kỳ tiếp lửa cho lực lượng chống dịch. Những khoảnh khắc ấy được ghi lại chân thực qua lăng kính, góc nhìn và ngòi bút người làm báo. Đó là niềm tự hào, cũng là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của báo chí”.