Phú Xuyên phát huy các nguồn lực để “về đích” nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới từ những việc nhỏ
Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên gặp phải rất nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế, nên việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thời gian đầu xây dựng nông thôn mới tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Mặc dù huyện có thế mạnh về phát triển làng nghề nhưng quá trình tổ chức sản xuất phát sinh các vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, tiêu chí trường học, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập bình quân đầu người… đều ở mức thấp.
Để đạt được mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới, Nhân dân và cán bộ của huyện luôn ý thức việc xây dựng nông thôn mới là phải thay đổi căn bản từ suy nghĩ đến việc làm, rồi thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường luôn là một trong những tiêu chí khó đối với địa phương. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt sản xuất và nguồn lực, thời gian qua, huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tạo điểm nhấn cho diện mạo nông thôn.
Huyện Phú Xuyên có nhiều làng nghề truyền thống nên đã tạo việc làm ổn định cho đông đảo người lao động địa phương |
Tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường được cụ thể hóa bằng việc vận động tuyên truyền nhân dân đổ rác đúng thời gian, địa điểm quy định và đặc biệt là không vứt rác bừa bãi ra đường, đồng ruộng, nơi công cộng. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ thôn thường xuyên kiểm tra địa bàn, kịp thời nhắc nhở những hộ đổ rác không đúng quy định của địa phương.
Còn tại thôn Phú Đôi, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), hội viên người cao tuổi của thôn đã gương mẫu đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường từ tuyên truyền, giáo dục con cháu chấp hành các quy định của nhà nước, quy ước của thôn đến việc nhặt bỏ 1 vài chiếc túi nilon, vỏ bánh, vỏ kẹo do trẻ nhỏ vứt trên đường vào thùng rác… đã có sức lan tỏa, tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Cũng chính bởi vậy, đến thôn Phú Đôi mặc dù có nghề phụ phát triển nhưng đường làng ngõ xóm đều sạch đẹp, ngay đầu thôn là đoạn đường hoa do nhân dân tự đóng góp kinh phí trồng và chăm sóc.
Vấn đề gương mẫu đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường không chỉ được thực hiện tốt ở hai thôn này mà hầu hết các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng rất tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan đường làng ngõ xóm. Người dân đã không coi việc vệ sinh môi trường, trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường sống ... là việc “phải làm”, mà là việc “cần làm” với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của các bên liên quan vào công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, Phú Xuyên đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã có 25/25 xã được công nhận xã nông thôn mới. Về xây dựng huyện nông thôn mới, Phú Xuyên đã đạt 9/9 tiêu chí.
Ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện rất thuận lợi, một số tiêu chí cần sự đóng góp, chung sức của người dân đã hoàn thành như: Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng…
Giai đoạn từ 2010 đến nay, toàn huyện huy động được 4.633 tỷ đồng, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp thiết chế hạ tầng nông thôn. Các tuyến đường của huyện đã được làm mới hoặc cải tạo giúp đi lại thuận tiện. Song song với đầu tư giúp 100% thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt, thể dục thể thao cộng đồng, môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên sẽ ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề |
Toàn huyện hiện có 73 hợp tác xã đã chuyển đổi theo luật hoặc thành lập mới theo Luật hợp tác xã. Mô hình liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả, giúp các hộ gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình liên kết của hợp tác xã Phú Thắng, hợp tác xã Phú Hưng với các hợp tác xã trên địa bàn để phục vụ sản xuất mạ khay, cấy máy. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã trên địa bàn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, lúa chất lượng cao. Nhiều hộ chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, vừa qua Hội đồng Thẩm định của thành phố đã tiến hành thẩm tra việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Phú Xuyên. Kết quả đánh giá cho thấy, Phú Xuyên đã đạt gần 100/100 điểm, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Đặc biệt, có khoảng 95,59% hộ dân của huyện khi được hỏi đều đồng tình với kết quả, quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ý kiến tham gia của các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương trong thành phố đều nhất trí với dự thảo báo cáo thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của Phú Xuyên.
Với nỗ lực và thành quả đạt được, đích của huyện thời gian tới là duy trì, nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới mới kiểu mẫu.
Để làm tốt nhiệm vụ này, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Qua đó, huyện sẽ đúc kết những kết quả đạt được, nhất là cách làm hay ở các địa phương, đơn vị để nhân ra diện rộng. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất làng nghề, nâng cao đời sống người dân.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội |