“Quả ngọt” từ 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm
Long An chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút FDI Long An: Nhận diện, khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực |
Bứt phá hoàn thành 3 công trình trọng điểm
Thông tin từ UBND tỉnh Long An, giai đoạn 2021-2025, tỉnh 3 công trình trọng điểm: Đường Vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến đường tỉnh 830); Đường tỉnh 827E (Quốc lộ 50B).
Theo ông Trương Văn Liếp, Quyền giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, tính đến cuối tháng 9/2023, tiến độ đầu tư 3 công trình trọng điểm của tỉnh đang hoàn thiện, tiến triển tốt.
Ông Trương Văn Liếp, Quyền giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An |
Đối với đường vành đai thành phố Tân An. việc triển khai đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai TP Tân An hiện đã đạt trên 80% kế hoạch. Đoạn từ QL1 đến Nguyễn Văn Quá đã thi công hoàn thành. Đối với đoạn từ Quốc lộ 62 - đường Nguyễn Văn Quá và đoạn Quốc lộ 1- Đường tỉnh 827B (đường Nguyễn Thông), kế hoạch năm 2023 bố trí 298,424 tỷ đồng, đã giải ngân 238,244 tỷ đồng, tỷ lệ 79,83% kế hoạch. Chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu thi công tập trung triển khai thi công, phấn đấu thông xe cuối năm 2023.
Với cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, ngày 1/9, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ hợp long công trình, dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 11/2023, khánh thành chính thức vào tháng 12/2023, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Đối với đường tỉnh 830E, UBND tỉnh Long An đã khởi công vào ngày 21/4 với kinh phí 3.707 tỉ đồng. Kế hoạch giải phóng mặt bằng ĐT.830E năm 2023 đã bố trí 1.026 tỷ đồng, đã giải ngân 984,692 tỷ đồng, đạt 95,97% kế hoạch. Về xây dựng ĐT.830E, kế hoạch năm 2023 đã bố trí 106 tỷ đồng, giải ngân 79,621 tỷ đồng, đạt 75,11% kế hoạch.
Với đường tỉnh 827E, tỉnh Long An thực hiện theo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 583-KL/TU ngày 19/4/2023, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng ĐT.827E. Theo đó, Long An sẽ tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu trên ĐT.827E (cầu Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) để kết nối các cầu với các tuyến đường tỉnh và Quốc lộ nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư dự án xây dựng 03 cầu bằng vốn vay ODA.
Dự án xây dựng 03 cầu trên Đường tỉnh 827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây) với tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.797 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn ODA khoảng 4.060 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh khoảng 736 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND tỉnh Long An đã ký lại đề xuất dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 5461/UBND-KTTC ngày 22/6/2023). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
“Quả ngọt” từ 3 chương trình đột phá của tỉnh Long An
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long Anh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh; Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của vùng kinh tế trọng điểm. Đến nay, các chương trình đột phá đạt nhiều kết quả rất tích cực.
Theo đó, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong sản xuất, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung; Gắn sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn và vận hành hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
UBND tỉnh Long An cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trưng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng suất, giá trị các sản phẩm nông nghiệp ổn định, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai thực hiện; công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tăng cường, việc giám sát chuỗi sản phẩm an toàn được thực hiện bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.
Trong bước tiến vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực có chất lượng cao trở thành trụ cột vô cùng quan trọng và không thể thiếu cho sự phát triển. Do đó, tỉnh Long An đã và đang chủ động đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt nhằm nâng cao sự chất lượng của nguồn nhân lực. Từ đó, lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 73,94%, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,43%.
Với chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Long An đang tích thực thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo tiến độ.