Quận Tây Hồ: Huy động nguồn lực, sớm khắc phục hậu quả mưa lũ
Thiệt hại khoảng 161,1ha cây trồng
Theo báo cáo của quận Tây Hồ, tính đến thời điểm hiện tại, thiệt hại về cây trồng trên địa bàn quận ước tính sơ bộ khoảng 161,1ha cây trồng, tương đương 132,18 tỷ đồng. Có 35,5ha quất bị ngập, thiệt hại khoảng 37,05 tỷ đồng, trong đó, phường Tứ Liên bị ngập 35ha, phường Nhật Tân là 0,5ha.
Đáng chú ý, 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại khoảng 85,26 tỷ đồng. Trong đó, phường Nhật Tân bị ngập 80ha; phường Phú Thượng là 25ha.
Bên cạnh đó, 20,6ha hoa màu cũng bị ngập lụt, thiệt hại khoảng 9,87 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khu vực bãi trũng và bãi đá phường Nhật Tân.
Đến 10h ngày 13/9, toàn quận chỉ còn 303 người đang sơ tán tại các điểm do quận, phường bố trí. UBND các phường chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, cung cấp bữa ăn; bố trí lực lượng, bảo đảm an ninh trật tự tại điểm sơ tán người dân.
Mưa lũ những ngày qua khiến diện tích trồng đào, quất cảnh quận Tây Hồ thiệt hại nặng nề |
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cũng đã chỉ đạo các nhà trường dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hỏng do mưa bão.
Bà Trần Thị Liên, Hiệu trưởng trường mần non Tứ Liên chia sẻ: "Trước tình hình lũ gây ngập úng, nhà trường thường xuyên theo dõi mực nước, chỉ cần nước rút xuống là lập tức huy động cán bộ nhân viên dọn vệ sinh. Ngay từ chiều qua (12/9) chúng tôi đã bắt đầu vệ sinh ở khu vực tầng 1, ngày hôm nay nước tiếp tục rút ra khỏi sân trường chúng tôi cũng nhanh chóng dọn hết khu vực sân trường”.
Bà Liên cũng cho biết công tác vệ sinh dọn dẹp đi kèm với dùng vôi bột, phun thuốc khử khuẩn, thau dọn bể chứa. Dự kiến công tác vệ sinh sẽ hoàn thành xong trong tuần này và đầu tuần tới học sinh có thể tới trường.
Chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa. Đội ngũ cứu hộ, nhân viên môi trường cùng các tổ chức thiện nguyện đã không quản ngày đêm giúp đỡ dọn dẹp, thu gom rác thải và phun thuốc khử trùng để phòng tránh dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại có 45/50 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đã đón học sinh đến trường. Hiện còn 5 trường trên địa bàn phường Tứ Liên và 2 trường trên địa bàn phường Yên Phụ vẫn chưa đủ điều kiện cho học sinh trở lại trường.
Khẩn trương dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường
Là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ những ngày qua, cán bộ và Nhân dân phường Phú Thượng đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Bí thư Đảng ủy phường Phú Thượng Phạm Xuân Đức cho biết: Phường đang khẩn trương triển khai hoạt động hỗ trợ Nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. UBND phường cũng đang gấp rút triển khai việc thống kê thiệt hại của các hộ trồng đào, kiến nghị các cấp hỗ trợ.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đôn đốc công tác vệ sinh trường học tại địa bàn 4 phường ngoài đê nhằm sớm đón học sinh trở lại trường sau mưa lũ. Ảnh: Hương Ly |
Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cũng cho biết, thiệt hại do mưa lũ với các hộ trồng đào rất nặng nề, bởi cây đào đa phần được trồng ở các nhà vườn khu vực ngoài bãi sông. Các hộ trồng quất cảnh có thể sơ tán một phần chậu quất khỏi khu vực ngập lụt, diện tích trồng đào cơ bản bị ngập sâu.
Để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết đã chỉ đạo UBND các phường chủ động thực hiện việc thu dọn cây gẫy đổ trên địa bàn; tổng vệ sinh môi trường và tiến hành phun khử khuẩn tại các khu vực bị ngập sau khi nước đã rút nhằm phòng chống dịch bệnh sau bão đồng thời tổ chức rà soát và có kế hoạch đưa người dân trở lại nhà.
Sáng 13/9, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đã kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại địa bàn 4 phường ngoài đê, gồm: Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Yên Phụ.
Động viên các lực lượng đang trực tiếp tham gia công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Bí thư Quận ủy Tây Hồ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường để phòng tránh dịch bệnh sau mưa lũ; thống kê thiệt hại, có biện pháp hỗ trợ người dân trên địa bàn sớm ổn định cuộc sống.