Quán triệt quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ
Bộ Chính trị ban hành Quy định mới về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ |
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai |
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương quán triệt Quy định số 114-QĐ/TƯ ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” và Quy định số 113-QĐ/TƯ ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ủy cũng nêu nhiều câu hỏi về việc triển khai 2 quy định, đồng thời đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để triển khai các quy định mới trong thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã nêu khái quát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của Thành ủy Hà Nội thời gian vừa qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác cán bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đội ngũ cán bộ các cấp từ thành phố đến cơ sở được xây dựng cơ bản bảo đảm về số lượng, cơ cấu, chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị và nhiệm vụ chung.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là thực hiện Quy định 205-QĐ/TƯ ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã quan tâm, xây dựng và ban hành 1 nghị quyết, 5 quy định về công tác cán bộ. Trong đó, có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham luận tại hội nghị |
Công tác bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý luôn giữ vững nguyên tắc của Đảng trong công tác cán bộ, đảm bảo đúng quy trình, công khai, dân chủ, khách quan; Đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ và tiêu chuẩn cho mỗi chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, có kế thừa và phát triển, giữ vững đoàn kết nội bộ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, Quy định 114-QĐ/TƯ vừa được ban hành có những điểm mới sẽ góp phần hoàn thiện hơn trong việc kiểm soát quyền lực nói chung, nhằm đảm bảo mục tiêu, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải được kiểm soát; Có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng hơn; Các cơ chế, giải pháp cũng được quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn.
Hiện nay, Đảng bộ thành phố có 47 đảng ủy cơ sở (thuộc 6 cấp ủy cấp huyện và tương đương) được các đảng bộ cấp trên cơ sở ra quyết định ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng. Trong đó có 28 đảng bộ thuộc Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; 7 đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội; 4 đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô… Các đảng bộ này có 1.056 chi bộ trực thuộc, 74 đảng bộ bộ phận (với 391 chi bộ trực thuộc) và 22.048 đảng viên.
Quy định 113-QĐ/TƯ có những điểm mới, góp phần hoàn thiện hơn trong việc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, nội dung điều kiện, thẩm quyền giao quyền cấp trên cơ sở và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy cơ sở được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở đã được Ban Bí thư quy định cụ thể hơn so với trước đây. Đây là cơ sở giúp cho các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện.
Trên cơ sở Quy định 113-QĐ/TƯ của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tổ chức phổ biến quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc rà soát các tổ chức cơ sở Đảng bảo đảm điều kiện, thẩm quyền để thực hiện thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở theo quy định của Trung ương.
Kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh một số nội dung quan trọng trong Quy định 113-QĐ/TƯ và Quy định 114-QĐ/TƯ. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quán triệt và triển khai nghiêm túc các nội dung trong hai quy định mới; Đồng thời yêu cầu người có chức vụ càng cao thì càng cần phải gương mẫu. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần vào cuộc để giám sát quá trình triển khai, thực hiện quy định.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng yêu cầu, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các địa phương, đơn vị cần kịp thời cụ thể hóa, triển khai bảo đảm sát thực tiễn, đúng quy định. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kiểm tra, xử lý. Quá trình triển khai nếu xảy ra vướng mắc phát sinh, các đơn vị cần kịp thời báo cáo để Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết.