Quảng Nam: Công ty cung cấp nước sạch King không có trong danh sách được ngoại kiểm
Nước sạch dẫn về hộ gia đình nhưng người dân lại phải sử dụng nước bình để sinh hoạt (Ảnh: V.Q) |
Liên quan đến sự việc gần 400 hộ dân tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sử dụng nguồn nước sạch có vấn đề do Công ty King sản xuất và cung cấp gây bức xúc dư luận, ngày 9/3/2021, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam (CDC Quảng Nam) để làm rõ một số thông tin.
Theo CDC Quảng Nam, đối nước sạch tại phường Điện Ngọc do Công ty King sản xuất, cung cấp (với công suất cấp nước cho dưới 500 hộ dân và dưới 1.000m3/ ngày đêm) do Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn quản lý.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, CDC Quảng Nam chưa nhận được các báo cáo về chất lượng nguồn nước sạch, mẫu nước sạch liên quan đến Công ty King gửi làm cơ sở đánh giá.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch của Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn không có tên Công ty King (Ảnh: V.Q) |
Đại diện CDC Quảng Nam cho biết: "Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch của Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn gần đây nhất (ngày 10/12/2020) cho thấy, Công ty King không có trong danh sách được ngoại kiểm. Báo cáo trên còn thể hiện, trên địa bàn thị xã chỉ có 3 đơn vị cấp nước (Nhà máy cấp thoát nước Điện Bàn, cơ sở cấp thoát nước thôn Lạc Thành và một cơ sở tại thôn Cẩm Lý) được ngoại kiểm.
Như vậy, việc Công ty King không có trong danh sách báo cáo hàng quý của Trung tâm Y tế thị xã là không đúng với Thông tư 41 ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Ngoài báo cáo trên, trước đây đơn vị cũng chưa nhận được các báo cáo liên quan đến Công ty King. Ngoài Công ty King, Nhà máy cấp nước Gò Nổi mặc dù đã đi vào hoạt động, có công suất 5.000m3/ngày, đêm đến nay vẫn chưa được CDC Quảng Nam nắm danh sách về quản lý chất lượng nguồn nước sạch".
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT(Ảnh: V.Q) |
Được biết, hiện nay tỉnh Quảng Nam vẫn đang áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) theo Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 để quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn.
Do đó, trong vòng 3 tháng/lần, đơn vị cung cấp nước (kinh doanh) phải thực hiện việc lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm các thông số nhóm A (với 14 chỉ tiêu giám sát: Độ đục, Amoni, màu sắc, mùi vị...) và 6 tháng/lần đối với các thông số nhóm B (hàm lượng Florua, Asen). Sau đó, đơn vị phải tự công bố chất lượng nước, gửi bản tự công bố chất lượng về Sở Y tế theo quy định.
"Đơn vị cấp nước kinh doanh có điều kiện thì phải đủ điều kiện cấp nước sạch cho người dân, đồng thời phải nắm rõ các quy định của pháp luật về nước sạch để sản xuất, giám sát, quản lý. Đơn vị cấp nước có thể tự nội kiểm với cơ quan (trong hoặc ngoài tỉnh) có đủ năng lực về kiểm tra, phân tích nước sạch. Tuy nhiên, kết quả nội kiểm phải được đơn vị gửi về Sở Y tế để quản lý, giám sát.
Ngoài ra, cơ quan liên quan sẽ thực hiện việc kiểm tra đột xuất về chất lượng, nếu cảm thấy chất lượng nước sạch có vấn đề. Khi cơ quan liên quan yêu cầu, đơn vị cấp nước phải thực hiện 99 thông số chất lượng nước sạch nhóm B và ngưỡng cho phép. Nếu người dân phát hiện nguồn nước sạch có vấn đề thì làm đơn phản ánh lên đơn vị liên quan, từ đó đơn vị liên quan sẽ vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạn (nếu có)", đại diện CDC Quảng Nam nói.
Công văn số 5518 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, áp dụng đến ngày 30/6/2021 (Ảnh: V.Q) |
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thực hiện xét nghiệm 99 thông số về chất lượng nước sạch nhóm B cần phải có đơn vị chuyên môn thực hiện, trong kinh phí thực hiện phải tốn trên 20 triệu đồng/lần và có kết quả sau 7 ngày.
Qua tìm hiểu, ngoài nhà máy cấp sạch nước tại phường Điện Ngọc, Công ty King hiện đang quản lý, vận hành 5 cơ sở nước sạch khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Như vậy, việc Công ty King hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân tại thị xã Điện Bàn suốt nhiều năm nay nhưng Trung tâm Y tế thị xã lại không nắm danh sách và thực hiện kiểm tra chất lượng nguồn nước sạch hằng quý theo quy định. Do đó, nếu phát hiện chất lượng nguồn nước sạch của công ty này có vấn đề, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Trong khi đó, UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, Công ty King thường xuyên gửi mẫu nước sạch đến Sở Y tế để kiểm nghiệm nhưng CDC Quảng Nam xác nhận không có là điều khó hiểu?
Việc người dân phường Điện Ngọc đang sử dụng nguồn nước sạch có vấn đề đã được báo chí phản ánh cần có sự nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm tra của đơn vị liên quan, để bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Tính đến đầu tháng 3/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có hơn 12 đơn vị cấp nước có công suất trên 1.000m3/ngày, đêm; 415 đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày, đêm. Các đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày, đêm trước đây đa phần do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bàn giao lại cho đơn vị liên quan quản lý. Hiện, Nhà máy cấp nước Tam Kỳ đang là đơn vị cấp nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với hơn 100.000 hộ dân đang sử dụng. |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.