Quảng Nam: Nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động
Công nhân Công Ty Cổ phần Ô Tô Trường Hải (Ảnh: TH) |
Theo báo cáo, trong những tháng cuối năm 2021 ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu tạo việc làm cho 16.000 lao động; đưa 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giảm tần suất tai nạn lao động chết người 5%; tuyển mới các trình độ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 23.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%.
Bà Trương Thị Lộc, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tuy nhiên đã có hàng trăm lao động Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho hàng ngàn người bị mất việc làm; hỗ trợ học nghề cho hàng trăm người có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định.
Ngoài ra, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh hoàn thành công tác bàn giao, tổ chức công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Quảng Nam, chính thức hoạt động từ ngày 1/6/2021.
Tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo đảm việc làm bền vững (Ảnh: Garmex) |
Để tiếp tục bảo đảm việc làm bền vững, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 4858/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở LĐTBXH đã thường xuyên đánh giá tình hình thực tế, đưa ra các giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để các thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đảm bảo liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và phát triển, tăng năng suất lao động.
Công nhân Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (Ảnh: Garmex) |
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam, ngay từ đầu năm 2021, Sở đã bổ sung các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại; nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) theo các điều, khoản Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để đề xuất cấp có thẩm quyền nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, giúp công nhân lao động được thụ hưởng các quyền lợi và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.
Được biết, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam đang tổ chức rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phát triển nhà ở, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Thái Liên Việt Nam tại Quảng Nam (Ảnh: TL) |
Bà Trương Thị Lộc, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, ngoài việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, sở đang theo dõi, nắm bắt khó khăn, khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời đề xuất giải pháp cơ chế, chính sách về lao động, việc làm.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo.
Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.