Hội thảo khoa học về hai đề án của Cục việc làm
Hội thảo sáng 23/10 tại trường Đại học Luật Kinh tế về Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động” |
Cục trưởng Cục Việc làm, TS Vũ Trọng Bình và Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng đồng chủ trì hội thảo, với sự tham gia của các đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các trường, viện và học viện, cùng đại diện một số Sở, Ban ngành khu vực phía Nam, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Tại hội thảo, TS Vũ Trọng Bình và PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng phát biểu chia sẻ quan điểm, định hướng về phát triển thị trường lao động, tính cấp thiết của hai đề án trong việc xây dựng thị trường lao động từng bước vận hành theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau khi đại diện Tổ soạn thảo của Cục Việc làm trình bày tóm tắt hai đề án, đại diện của trường Đại học Kinh tế - Luật phát biểu các ý kiến phản biện để bổ sung, góp ý.
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia cũng có những bài tham luận chuyên sâu về nhiều góc độ khác nhau trong lĩnh vực lao động – việc làm như: Việc đảm bảo an sinh xã hội trước ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0; Vấn đề chính thức hoá việc làm phi chính thức; các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá chất lượng việc làm…
Đề án “Hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030” được đánh giá là Đề án có tính chất tổng quan, chiến lược nhằm đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển lâu dài cho thị trường lao động hướng tới xây dựng thị trường hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, tỉnh, thành phố, ngành kinh tế, nghề nghiệp… Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên quan điểm Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường lao động, Đề án đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể để phát triển thị trường lao động đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế và huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động lành mạnh.
Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động” là đề án có tính thực nghiệm cao nhằm phát triển một hệ thống dự báo cung-cầu lao động với những sản phẩm có tính khoa học, đầy đủ những thông tin về cung, cầu lao động cơ bản kịp thời phục vụ điều hành quản lý nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, của vùng và của từng địa phương.
Đồng thời, sản phẩm dự báo cung, cầu phải kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ sở giáo dục đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; Cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai; Giúp doanh nghiệp lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
Các nhóm giải pháp xoay quanh sự phát triển đồng bộ của năm yếu tố cơ bản, gồm (i) xây dựng cơ sở dữ liệu, (ii) phát triển phương pháp, mô hình dự báo, (iii) đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, (iv) củng cố, thống nhất bộ máy tổ chức thực hiện và (v) tuyên truyền, truyền thông.