Quảng Ngãi: Lý Sơn và nỗ lực hành động bảo vệ môi trường biển
Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh Thới Lới. |
Phát triển du lịch biển, đảo bền vững
Lý Sơn được ví như một “thiên đường” giữa đại dương bao la, dù có diện tích khá nhỏ nhưng Lý Sơn lại sở hữu những bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, được bao bọc bởi những vách đá nham thạch kỳ vĩ, với 7 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, vài năm trở lại Lý Sơn thu hút từ 36.000 lượt khách năm 2014, đến nay đã tăng gần 300.000 lượt, đây là lợi thế vô cùng lớn để phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện du lịch biển, huyện Lý Sơn đang chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động của ngành du lịch Quảng Ngãi, tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong phát triển ngành du lịch đầu tư vào huyện Lý Sơn để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, đảm bảo các vấn đề về quốc phòng, an ninh.
Với mục tiêu từng bước đưa huyện Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh - sạch -đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường bền vững… chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện.
Bãi Sau ở đảo Bé Lý Sơn |
Trong đó, phát triển du lịch theo chiều sâu gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương…
Cùng với đó, Lý Sơn cũng đang đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý xây dựng, bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên của huyện đảo, hiện các công trình, ngay cả nhà dân trên đảo đều phải có giấy phép trước khi xây dựng.
Tuy nhiên, lượng khi khách đến du lịch ra đảo càng tăng thì áp lực về môi trường càng lớn, trước nguy cơ thiên đường xanh sẽ biến mất, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đang nỗ lực hành động để xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một hòn đảo xanh- sạch- đẹp hơn trong mắt người dân và du khách.
Hội đua thuyền truyền thống trên đảo Lý Sơn (Ảnh tư liệu) |
Hướng đến Lý Sơn xanh
Theo đó, nhằm làm sạch môi trường biển Lý Sơn, thời gian qua hàng trăm chiến sĩ và các bạn trẻ đến từ nhiều Câu lạc bộ (CLB) môi trường, trường học đã ra quân thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển tại các tuyến đường và các điểm du lịch trên đảo.
Song song với hoạt động dọn rác, các CLB thiện nguyện vì môi trường còn bố trí hệ thống thùng rác chuyên dụng và treo các băng rôn kêu gọi người dân bỏ rác đúng nơi quy định dọc tuyến đường biển và các điểm du lịch trên đảo.
Lý Sơn hướng đến đảo xanh - sạch- đẹp trong mắt du khách |
Nổi bật là phong trào lặn vớt rác thải nhựa dưới biển thu hút đông đảo các bạn trẻ trong và ngoài địa phương tham gia vớt và xử lý hàng chục tấn rác thải nhựa trôi nổi, nằm dưới đáy biển; Mô hình cá ăn rác thải nhựa gồm 4 chú “cá biển” được làm từ khung sắt và lưới, mỗi con có chiều dài hơn 2m, rộng 1,5m. Mỗi tháng mô hình này góp phần giảm thiểu hàng ngàn vỏ chai nhựa thải ra môi trường.
Được biết, UBND huyện Lý Sơn đã ra Chỉ thị về việc giảm thiểu, tiến đến không sử dụng túi ni lông, góp phần cải thiện môi trường trên đảo, kế hoạch được thực hiện thí điểm tại đảo Bé (xã An Bình), trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra toàn đảo.
Đến nay, Hội LHPN huyện Lý Sơn đã hướng dẫn các cơ sở hội triển khai thực hiện và đặt mua túi thân thiện với môi trường để bán tại các chợ, tổ chức cho hội viên ký cam kết hạn chế sử dụng túi ni lông. Tham mưu cho UBND xã phối hợp với BQL cảng Lý Sơn ký kết chương trình phối hợp để hạn chế việc vận chuyển túi ni lông qua xã An Bình và sẽ hình thành điểm bán túi vải thân thiện tại cầu cảng.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trên đảo Lý Sơn |
Bên cạnh đó, sau khi được quản lý và vận hành theo hình thức xã hội hóa Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn đã phát huy hiệu quả tối ưu khi được nâng công suất xử lý rác lên 50 tấn/ngày, thậm chí, còn biến rác thành phân hữu cơ, mỗi ngày nhà máy sản xuất được hơn 5 tấn phân hữu cơ. Nhờ vậy, các điểm ô nhiễm môi trường, nhất là ven bờ biển quanh đảo, không còn đầy rác rưởi, bốc mùi hôi thối như trước.
Đảo Lý Sơn nằm cách đất liền hơn 15 hải lý, với mật độ dân số hơn 2.200 người/km2, gây áp lực lớn về giải quyết môi trường. Tuy nhiên Lý Sơn có lợi thế tiềm năng du lịch biển, đảo với lượng du khách trong và ngoài tỉnh ra đảo ngày càng nhiều, việc giải quyết được bài toán rác thải ở đây không chỉ bảo vệ được môi trường, mà còn có ý nghĩa tạo vẻ đẹp cảnh quan, tạo tiền đề cho phát triển du lịch bền vững.