Tag

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt cần độ chính xác lớn, tính khả thi cao

Thị trường - Tài chính 30/03/2023 17:41
aa
TTTĐ - Sáng 30/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch).
Bộ Công thương yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nguồn cung xăng dầu dịp Tết TP Hồ Chí Minh: Duy trì 98% cửa hàng hoạt động cung ứng xăng dầu Từ 15 giờ hôm nay (1/3), giá xăng dầu đồng loạt giảm nhẹ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Xác định, phân định rõ cấp độ trong hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt (tư nhân, doanh nghiệp, quốc gia) để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động trên thị trường xăng dầu - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Xác định, phân định rõ cấp độ trong hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt (tư nhân, doanh nghiệp, quốc gia) để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động trên thị trường xăng dầu - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Quy hoạch trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong thời gian qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, khó khăn, bất ổn, có thể gây ảnh hưởng lập tức đến thị trường trong nước.

"Quy hoạch này đòi hỏi độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của thực tiễn và dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt giai đoạn trước đây, nguyên nhân những nhiệm vụ chưa thực hiện được, nhất là tình trạng bất ổn khi nguồn cung ngắt quãng. Tính khả thi của Quy hoạch về mặt kỹ thuật, công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước hiện nay và dự báo trong tương lai. Mối quan hệ, tác động của Quy hoạch tới các quy hoạch về đất đai, môi trường, giao thông vận tải…

Cơ chế, chính sách để thực hiện Quy hoạch, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo ở khâu nào, phương án huy động xã hội hoá, có tính toán đến các cơ sở lọc hoá dầu trong nước, để bảo đảm chủ động chuỗi cung ứng. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện Quy hoạch.

"Những vấn đề đưa vào quy hoạch phải được tính toán, phân tích, so sánh với nhu cầu phát triển kinh tế, khả năng tiêu thụ của thị trường, thời gian dự trữ, yêu cầu chất lượng sản phẩm, công nghệ dự trữ, an toàn phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường…", Phó Thủ tướng nêu rõ và đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, uỷ viên phản biện trao đổi thẳng thắn, khoa học.

TS. Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện Quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Minh Khôi
TS. Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện Quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia.

Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.

Sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đưa vào hoạt động.

Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến các hộ tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do khi quy hoạch các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.

Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt được định hướng phát triển trên cơ sở tận dụng năng lực kết nối giao thông vận tải, ưu tiên tại các khu vực đã được quy hoạch cảng biển quy mô lớn, những khu vực thuận lợi về giao thông thủy, giao thông bộ; khai thác mọi nguồn lực trong nước và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt.

Hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên cho việc nâng mức dự trữ quốc gia cho mặt hàng xăng dầu.

TS. Trịnh Thanh Thuỷ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương lưu ý đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu… - Ảnh: VGP/Minh Khôi
TS. Trịnh Thanh Thuỷ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương lưu ý đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người dân, hài hoà yếu tố môi trường

Góp ý cho dự thảo Quy hoạch, các chuyên gia, uỷ viên phản biện đã kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, làm rõ một số vấn đề, như: Đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người dân, hài hoà yếu tố môi trường, tính khả thi, chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, tái tạo...

Theo TS. Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Quy hoạch chịu tác động rất lớn biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, cũng như chỉ đạo của chính phủ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, môi trường. Do đó, quá trình thực hiện Quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, TS. Trịnh Thanh Thuỷ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, quá trình thực hiện Quy hoạch cần phải tính toán đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định lưu ý đến "tính động", "tính mở" trong Quy hoạch vì liên quan đến sự thay đổi về công nghệ dự trữ, các loại nhiên liệu sử dụng trong tương lai, cũng như xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ.

Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Quy hoạch được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp mở rộng, hiện đại hoá hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Triển khai các bước lập Quy hoạch kịp thời, bài bản, khoa học

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch chuyên ngành hết sức quan trọng, cần thiết. Bộ Công thương đã triển khai các bước lập Quy hoạch hết sức kịp thời, bài bản, khoa học.

Bộ Công thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các uỷ viên phản biện, thành viên Hội đồng, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch.

Cụ thể, dự thảo Quy hoạch phải bổ sung quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… trong lĩnh vực năng lượng, nhất là xăng, dầu.

Dự thảo Quy hoạch phải đánh giá, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia trước đây, đơn cử như cơ chế điều hành, giám sát, quản lý, điều phối trong mạng lưới dự trữ xăng dầu; mức độ xung đột với các quy hoạch khác; bất cập về công nghệ dự trữ, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn môi trường…

Quy hoạch cần xác định, phân định rõ cấp độ trong hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt (tư nhân, doanh nghiệp, quốc gia) để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động trên thị trường xăng dầu, "không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước hay khoán trắng cho doanh nghiệp".

"Hệ thống kho dự trữ tư nhân, doanh nghiệp phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại hay dự trữ quốc gia phục vụ cho tình huống khẩn cấp phải được xác định rõ ràng về cơ chế quản lý, điều hành, điều phối bảo đảm đồng bộ, thống nhất; hài hoà lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước, địa phương, người dân", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai Quy hoạch sau khi được thông qua, hoàn thiện các quy định pháp lý giám sát, cơ chế tài chính, điều phối,… - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai Quy hoạch sau khi được thông qua, hoàn thiện các quy định pháp lý giám sát, cơ chế tài chính, điều phối,… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Quy hoạch là "xương sống" bảo đảm lưu thông năng lượng

Nhắc lại những bất cập, biến động của thị trường xăng dầu những tháng cuối năm 2022 đầu năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch là "xương sống" bảo đảm lưu thông năng lượng, "huyết mạch" cho nền kinh tế, vì vậy, phải được tính toán dựa trên các yêu cầu thực tiễn; đồng thời giải quyết các "bài toán" về dự báo nhu cầu thị trường, phù hợp với những quy hoạch về đất đai, môi trường, năng lượng, giao thông, đô thị…

Bên cạnh đó, Quy hoạch phải bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước, xu thế chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để đưa ra các giải pháp khoa học, công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số nhằm bám sát hoạt động cung ứng, điều phối, diễn biến của thị trường từ nhà máy sản xuất đến cơ sở bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu-thừa cục bộ, tăng-giảm khối lượng dự trữ hợp lý; kết nối với các trung tâm năng lượng tái tạo khác trên thế giới…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch phải có báo cáo đánh giá kỹ tác động môi trường; thiết kế cơ sở dữ liệu về thị trường xăng dầu, khí đốt được kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành liên quan phục vụ công tác vận hành hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt nhịp nhàng, đồng bộ, sát thực tiễn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai Quy hoạch sau khi được thông qua, hoàn thiện các quy định pháp lý giám sát, cơ chế tài chính, điều phối,…

Đọc thêm

Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh thu bán lẻ đạt hơn 62.000 tỷ đồng Nhịp sống phương Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh thu bán lẻ đạt hơn 62.000 tỷ đồng

TTTĐ - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 6.211,8 tỷ đồng, tăng 11,87% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng, ước đạt 62.026,08 tỷ đồng, tăng 12,98%.
Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT là không thực tế Thị trường - Tài chính

Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT là không thực tế

TTTĐ - Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, qua nghiên cứu và tham khảo từ các chuyên gia kinh tế, có thể thấy, nếu chiếu theo quy định của khoản 3, Điều 15, doanh nghiệp nào chỉ sản xuất một mặt hàng là phân bón mới được khấu trừ thuế, còn sản xuất 2,3,4 mặt hàng (trong đó có phân bón) thì không được khấu trừ. Điều này là không thực tế.
Khu thương mại tự do, động lực cho Đà Nẵng phát triển logistics Thị trường - Tài chính

Khu thương mại tự do, động lực cho Đà Nẵng phát triển logistics

TTTĐ - Đà Nẵng tiên phong mở ra một chương mới cho logistics Việt Nam với việc thành lập Khu thương mại tự do, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh Thị trường - Tài chính

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh

TTTĐ - Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tổng thu ngân sách đạt gần 90% dự toán.
Long An: Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2024 Thị trường - Tài chính

Long An: Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2024

TTTĐ - Ngày 14/11, UBND tỉnh Long An và Bộ Công thương tổ chức hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu tỉnh Long An năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị.
Giá xăng RON95-III giảm còn 20.607 đồng mỗi lít Thị trường - Tài chính

Giá xăng RON95-III giảm còn 20.607 đồng mỗi lít

TTTĐ - Theo quyết định của liên bộ Công thương-Tài chính, tất cả mặt hàng xăng dầu cùng đi xuống từ 15 giờ hôm nay (14/11).
Năm 2025, tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1,5 triệu tỷ đồng Thị trường - Tài chính

Năm 2025, tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1,5 triệu tỷ đồng

TTTĐ - Chiều 13/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
Vẫn lo “sốt giá” khi mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại Thị trường - Tài chính

Vẫn lo “sốt giá” khi mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại

TTTĐ - Theo một số đại biểu Quốc hội, nếu thí điểm mở rộng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm dự án nhà thương mại qua thỏa thuận có thể sẽ khiến cơn sốt giá lây lan, dẫn đến đầu cơ...
Eximbank BFAST: Bảo lãnh vốn đầu tư công “0 đồng” tiếp sức doanh nghiệp Thị trường - Tài chính

Eximbank BFAST: Bảo lãnh vốn đầu tư công “0 đồng” tiếp sức doanh nghiệp

TTTĐ - Đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vượt qua những thách thức về vốn đầu tư công, Eximbank đã tiên phong ra mắt chương trình BFAST với mức phí phát hành bảo lãnh “0 đồng”. Đây là giải pháp đột phá với quy trình bảo lãnh nhanh chóng, minh bạch và nhiều ưu đãi nhất nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí bảo lãnh, tối ưu hóa dòng vốn và nâng cao sức cạnh tranh.​
Standard Chartered thu xếp khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho Stavian Hoá chất Thị trường - Tài chính

Standard Chartered thu xếp khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho Stavian Hoá chất

TTTĐ - Ngân hàng Standard Chartered đóng vai trò là đơn vị thu xếp và dựng sổ (MLABs) cho khoản vay hợp vốn nước ngoài đầu tiên trị giá 100 triệu USD (hơn 2.500 tỷ đồng) cho Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất (Stavian Hoá chất), hỗ trợ khách hàng mở ra cơ hội phát triển kinh doanh mạnh mẽ trong tương lai.
Xem thêm