Quyết tâm phát triển sản phẩm OCOP từ cây nấm tươi
Sau một thời gian học hỏi kỹ thuật trồng nấm, tháng 8/2020, anh Vũ Hữu Dũng bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm trên mảnh đất xóm Đồi Giữa, thôn Văn Phú (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Quy trình sản xuất nấm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm |
Thế nhưng điều kiện thời tiết miền Bắc khắc nghiệt, nguyên vật liệu để sản xuất nấm khi đó khan hiếm, giá thành sản xuất cao trong khi đó, trên thị trường lại tràn ngập các sản phẩm nấm tươi từ Trung Quốc kém chất lượng. Không nản lòng, anh Dũng vẫn quyết tâm với đam mê trồng nấm.
Vạn sự khởi đầu nan, trong hành trình khởi nghiệp, trước khi bắt tay vào việc trồng nấm, anh Dũng cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trước khi bắt tay vào công việc, anh phải làm quan trắc môi trường xung quanh và nguồn nước. Bởi không đảm bảo những yếu tố này thì cây nấm hương không thể sống được.
Nguồn nguyên liệu mùn cưa (mùn cưa cao su, mùn cưa bồ đề) dùng trong sản xuất nấm phải đạt chất lượng tốt lại không có sẵn tại địa phương nên quá trình tìm nguyên liệu đạt yêu cầu cũng tốn kém hơn. Thời tiết Hà Nội mùa hè khá nóng nên chí phí sản xuất trong nhà lạnh cũng cao hơn.
Là một sản phẩm nông nghiệp không sử dụng chất bảo quản nên thời gian lưa kho của cây nấm không được lâu. Trong quá trình sản xuất có lúc nấm thu hoạch nhiều thì không kịp tiêu thụ, có lúc có sản lượng ít nên không đủ hàng để bán.
Anh Vũ Hữu Dũng chia sẻ: "Nấm là siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng, có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khoẻ. Nấm là một trong những thực phẩm được sử dụng thường xuyên. Tôi cũng nhận thấy việc trồng nấm có thể biến các phế phẩm (mùn cưa, rơm...) thành các sản phẩm sạch. Phế phẩm sau trồng nấm có thể trở thành phân hữu cơ tốt cho môi trường như để trồng rau. Mô hình trồng nấm cũng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều lao động địa phương".
Cây nấm tươi thu hái được phân loại ngay sau khi hái để đóng gói và chuyển đến khách hàng |
Ngoài thị trường là hệ thống thương lái tự do, các nhà hàng, khách sạn tại địa phương thì sản phẩm nấm của gia đình anh Dũng còn vươn tới thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận... Nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận tăng đều qua các năm.
“Tuân thủ quy trình trồng nấm hữu cơ, tôi có thể tự tin khẳng định chất lượng nấm của gia đình là tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy trình sản xuất nấm qua nhiều khâu nghiêm ngặt từ việc mùn cưa trộn cám để đóng bịch, hấp và cấy giống sau đó nuôi sợi nấm và cho ra quả thể trong phòng lạnh. Trong phòng lạnh để cây nấm hương phát triển tốt cần phải kiểm soát về nhiệt độ, không khí, độ ẩm. Tôi cũng đầu tư nhiều loại máy móc như máy lọc không khí.... Cây nấm tươi thu hái được phân loại ngay sau khi hái để đóng gói và chuyển đến khách hàng", anh Dũng cho biết.
Cơ sở có trồng đa dạng nhiều loại như nấm hương, sò nâu, sò vàng và mộc nhĩ nhưng nấm hương vẫn là sản phẩm chủ đạo. Hiện hàng tháng, cơ sở này sản xuất được khoảng 2,5- 3 tấn nấm mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Sản lượng lớn nhưng chất lượng tốt, quy trình sản xuất an toàn nên nấm hương sản xuất đến đâu được thị trường lớn tiêu thụ đến đó, rất thuận lợi.
Mỗi một túi nấm hương tươi được bán với giá 140.000 đồng/kg, sò nâu và sò vàng 80.000 đồng/kg, mộc nhĩ 250.000 đồng/kg.
Sản phẩm khi đến tay khách hàng nhận được nhiều đánh giá tích cực nhờ nấm tươi, ngon, sạch và có giá cả hợp lý. Khách này "mách" khách kia khiến sản phẩm của cơ sở anh Dũng được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, tỉ lệ khách hàng quay lại đạt trên 95%
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, trại nấm của anh Dũng đã có sản phẩm nấm tươi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo chia sẻ của chủ cơ sở, chương trình OCOP đã giúp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, chương trình đã tạo điều kiện để cơ sở quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước, từ đó tăng đầu ra.