Ra mắt hai cuốn sách đặc biệt về vùng đất Bình Dương anh hùng
Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam từ lâu đã mang một bản hùng ca với những chiến công hiển hách trong chiến tranh, những thành tích nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển. Hiếm có vùng đất nào mà khi nhắc đến những tên như Bàu Bính, Lạc Câu, cây Dương thần… đã gợi lên cho nhiều người dù đã đến đó hay chỉ mới nghe về nó niềm tự hào, lòng kính phục, niềm thân thương với những câu chuyện, những con người ở nơi đó như đi vào huyền thoại…
Tại buổi ra mắt sách, ông Nguyễn Quang Thiều, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, đây không chỉ là một buổi ra mắt sách mà còn là buổi tưởng nhớ về những người anh hùng của mảnh đất Bình Dương.
Bình Dương là xã có 4.700 người ngã xuống trong chiến tranh trên tổng số 7.869 người dân toàn xã. Xã có 1.347 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang, là xã được phong 3 lần danh hiệu Anh hùng.
Quang cảnh buổi ra mắt sách |
Tác phẩm Bình Dương - vùng đất anh hùng được chia làm 3 phần gồm: Bình Dương vùng đất anh hùng; Căn cứ lõm Bàu Bình và Đất và Người Bình Dương.
Căn cứ lõm Bàu Bính (ở xã Bình Dương) là một địa danh điển hình cho lòng quả cảm, kiên trung, sự hy sinh vô bờ bến của quân dân ta trong cuộc chiến đấu giành lại tự do. Với diện tích chỉ vài km vuông nhưng, từ năm 1971 đến cuối năm 1972, đồng bào, chiến sĩ căn cứ lõm này đã chiến đấu kiên cường giữa bốn bề là quân Mỹ. Lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân chiến đấu với tinh thần thép “Một tấc không đi, một li không rời”, giữ vững trận địa.
Lịch sử cũng nhắc đến cây Dương thần - cây dương độc nhất còn sót lại, mình đầy thương tích. Điều kỳ lạ, trên chót vót của cây có tổ đôi chim sáo - một biểu tượng của sự sống tưởng chừng rất mong manh nhưng kiêu hãnh và đầy thách thức.
Nội dung tác phẩm không chỉ nói về Căn cứ lõm Bàu Bính mà còn nhấn mạnh sự góp sức người, sức của, sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ.
Hai cuốn sách đặc biệt về vùng đất Bình Dương anh hùng |
Tác phẩm Vườn mẹ ghi lại những không gian văn hóa tâm linh và lịch sử mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn. Vườn mẹ không chỉ là di tích lịch sử bi hùng mà còn là hình ảnh của một vùng quê giàu đẹp, văn minh. Ngoài ra, hàng trăm bài viết trong cuốn sách thể hiện góc nhìn dung dị, tỉ mỉ và sâu sắc.
Được biết bên cạnh viết ra mắt tập sách này, kỹ sư Phan Đức Nhạn, nguyên quyền Trưởng ban kinh tế mở Chu Lai, nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 11, đã đề xướng thực hiện Dự án Vườn Mẹ- một bảo tàng tổng hợp trên cát có các không gian tưởng niệm, bảo tồn các di tích hiện vật của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, các liệt sĩ trên đất Bình Dương.
Những cuốn sách này sẽ góp phần minh chứng một cách thuyết phục nhất cho mục tiêu các di tích cách mạng của Bình Dương xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia.