Ra mắt trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư
Được xem là công cụ số trong hoạt động xúc tiến đầu tư, trang thông tin này được định hướng là trung tâm dữ liệu về đầu tư phục vụ cho 21 tỉnh/thành phía Nam, bao gồm chính sách pháp luật, thủ tục, môi trường đầu tư các địa phương, danh mục thu hút đầu tư từng giai đoạn, các hoạt động xúc tiến đầu tư của IPCS phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước.
Với các bài viết song ngữ vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh, trang thông tin không chỉ đem đến cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước mà còn cả quốc tế. Trong bối cảnh Covid-19 đang dần được kiểm soát trên toàn thế giới, làn sóng mở rộng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được dự báo diễn ra mạnh mẽ, sự ra đời của trang thông tin IPCS là kịp thời đón đầu xu hướng và đem lại thuận lợi trong giai đoạn tiền đầu tư cho các nhà đầu tư mới vào Việt Nam.
Tại buổi lễ ra mắt trang thông tin số, bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc IPCS phát biểu: “Theo cùng xu hướng đổi mới công nghệ, đổi mới các loại hình hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) hiệu quả do lãnh đạo Bộ KH&ĐT yêu cầu. Chúng tôi mạnh dạn cải thiện công cụ số trong xúc tiến đầu tư, tiên phong đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đón đầu các thử thách. Cổng thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư phía Nam do Bộ KH&ĐT giao cho chúng tôi quản lý chắc chắn sẽ là một thư viện số cập nhật nhanh chóng, thường xuyên”.
Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc IPCS (thứ ba từ phải qua) và các đối tác công bố trang thông tin điện tử |
Mặc dù năm 2020 đến nay, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trước tình hình dịch Covid-19, tuy nhiên vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể trong năm 2020, tổng vốn đăng ký ĐTNN đạt 28,53 tỷ USD. Tính hết quý I/2021, tổng vốn đăng ký ĐTNN đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng các tỉnh/thành phía Nam đã chiếm tỷ trọng gần 52% trên tổng vốn đăng ký ĐTNN của cả nước. Kết quả này là một phần không nhỏ từ việc gia tăng công tác XTĐT “online” trong thời gian qua, thường xuyên sử dụng phương tiện điện tử để cung cấp thông tin, duy trì các hoạt động đối thoại, họp trực tuyến với nhà đầu tư, giải quyết các vướng mắc và tổ chức hội nghị XTĐT trực tuyến.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp chia sẻ thông tin trên trang điện tử của IPCS để thực hiện hoặc hỗ trợ các hoạt động đầu tư, cụ thể là Ngân hàng UOB Việt Nam, thành viên của Ngân hàng United Overseas Bank (Singapore) là đơn vị đã tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong gần 30 năm qua. Trong thời gian tới, Ngân hàng UOB cũng sẽ cùng IPCS lên kế hoạch thực hiện chuỗi hội thảo dành cho các nhà đầu tư, trong đó UOB giới thiệu các nhà đầu tư gặp gỡ IPCS và IPCS sẽ phổ biến, hướng dẫn các chính sách và thủ tục liên quan đến đầu tư, như việc xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ông Harry Loh, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam phát biểu: “Kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác với Cục đầu tư nước ngoài (FIA) năm 2015, chúng tôi đã hỗ trợ thúc đẩy các khoản đầu tư trị giá 2,35 tỷ USD từ hơn 150 công ty vào Việt Nam. Nỗ lực này đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và giúp tạo ra 17.000 việc làm. Là đối tác của IPCS, UOB sẽ cung cấp thông tin về thị trường cũng như các lĩnh vực kinh tế. Ngân hàng cũng sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư triển vọng về chiến lược gia nhập thị trường.
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Với tư cách là ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chúng tôi có thể cung cấp các giải pháp tài chính đa dạng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Với việc ký kết hàng loạt các thỏa thuận tự do thương mại giữa Việt Nam và các nước và khu vực (như RCEP và EVFTA), luồng thương mại, sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành phụ trợ cũng như giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị.
Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển, chúng tôi cũng có cơ hội hỗ trợ họ mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực thông qua mạng lưới văn phòng của UOB ở 19 nước khác nhau. Trong những năm qua, chúng tôi đã giúp 60 doanh nghiệp Việt Nam mở rộng ra nước ngoài, phần lớn là sang Singapore. Với việc hợp tác với IPCS, chúng tôi mong muốn mở rộng các hoạt động hợp tác hai bên và đóng góp vào việc thúc đẩy dòng đầu tư vào Việt Nam”.