Rau củ sấy lạnh và cách làm nông nghiệp “lười” của gương mặt trẻ Thủ đô
Chị Thu từng lọt top 9 chung kết chương trình Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo của tổ chức WISE do chính phủ Úc tài trợ. Đặc biệt, chị được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020.
Cách làm khác biệt
Từ niềm đam mê với dược liệu và khát khao làm giàu trên đồng đất quê hương, chị Thu cùng 6 thành viên khác cùng thuê đất và thành lập hợp tác xã Tâm An vào năm 2017. Ban đầu, chị và các thành viên trong hợp tác xã trồng dược liệu rồi bán thô cho các công ty dược tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lấy ngắn nuôi dài, sau khi tích lũy được nguồn vốn, Hợp tác xã Tâm An đầu tư dây chuyền sản xuất các loại trà đóng gói từ dược liệu như: Trà chùm ngây, trà cà gai leo (trị bệnh), một số mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu…
Chị Nguyễn Thị Thu |
Những sản phẩm dược liệu của hợp tác xã được đăng ký và xây dựng thương hiệu với tên “Tâm An”. Hiện, các loại trà và mỹ phẩm thảo dược Tâm An đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart…
Tâm An cũng là một trong số rất ít hợp tác xã chọn cây dược liệu để khai thác, kinh doanh và phát triển. Qua gần 3 năm hoạt động với những bước đi bài bản, đến nay, hợp tác xã trở thành một trong những đơn vị điển hình về sản xuất cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài sản xuất dược liệu, với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, chị Thu hướng dẫn các thành viên tận dụng chất đất và khí hậu địa phương, trồng các loại rau ngắn ngày theo thời vụ. Rau của hợp tác xã được trồng theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đặc biệt, hầu hết các loại hoa màu do hợp tác xã trồng đều không bán ngay. Các loại rau như: Cải bó xôi, cải bắp, cải cúc… thu hoạch đến đâu, công nhân sẽ chở cả về xưởng, sơ chế rồi đưa vào hệ thống sấy lạnh trong 50 tiếng nhằm giữ nguyên màu, giá trị dinh dưỡng. Sau đó, rau sấy được chuyển sang máy nghiền để ra các loại bột rau củ rồi mới đưa ra thị trường.
Công nhân sơ chế rau trước khi đưa vào chế biến |
Sản phẩm bột rau củ sấy lạnh được chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm từ các nguyên liệu, quy trình khép kín với khâu kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt tạo nên chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng.
Hướng đi bền vững
Với tên gọi GIHO sản phẩm bột rau củ sấy lạnh của chị Thu đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao vào năm 2019. Mô hình cho doanh thu khoảng 150 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân tại địa phương giúp nâng cao đời sống.
“Sau khi có chứng nhận đạt OCOP 4 sao, hợp tác xã được tham gia nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại. Vì vậy, chúng tôi có thêm nhiều khách hàng trên toàn quốc”, chị Thu cho biết.
Đây cũng là động lực để thời gian tới chị Thu và các thành viên hợp tác xã phát triển thêm các sản phẩm từ rau củ như: Bún rau củ, mỳ rau củ, bánh quy rau củ.
Những ngày đầu khởi nghiệp chị Thu gặp không ít khó khăn. Sau rất nhiều lần không “hài lòng” vì canh tác theo cách truyền thống, chị tìm đến nông nghiệp “lười”.
Chị Thu giải thích: “Nông nghiệp truyền thống tốn kém nhất là nhân công. Đối với nông nghiệp “lười” cắt bỏ đi những công đoạn canh tác đã thành lối mòn nhưng thừa thãi và lãng phí của nhà nông”.
Sản phẩm bột rau củ sấy lạnh |
Nhằm tiết kiệm nhân công trong vấn đề cải tạo đất, chị Thu đã thả bèo tây ở khắp các mương để lấy vật liệu che phủ luống. Cỏ trước kia phải đi làm tay thủ công thì giờ chỉ cần lấy máy cắt lia một lần rồi dùng thân che phủ và làm phân. Bên cạnh đó, chị mua vừng đen về gieo đều trên đất. Rễ cây vừng đen tạo cho đất tơi xốp, thân và lá tạo thành lớp mùn và phân xanh giá trị, vừa hạn chế được cỏ dại phát triển.
Về cách trồng cây, người nông dân thường ươm giống ra cây con rồi lại nhổ lên để trồng lại… Còn đối với chị Thu, sau khi vừng và cỏ được xới lên, ủ với vi sinh, chị gieo hạt. Thời gian gieo chỉ mất khoảng 10 phút, tiết kiệm được tiền công cả ngày để trồng rau.
Theo chị Thu không phải loại cây trồng nào cũng có thể áp dụng kiểu “lười” được. Chị đã phải tìm hiểu, thí nghiệm để lựa chọn các loại rau màu phù hợp với quy trình độc đáo này. Một số loại rau không thích hợp, chị cải tiến, trồng sau khoảng 15 ngày gieo hạt đậu xanh, vừng, đậu tương lên luống. Khi cây đậu ra hoa, hàm lượng dinh dưỡng trong thân cao nhất thì phạt xuống, tấp luôn vào gốc su hào, bắp cải, vừa tạo nguồn phân xanh ngay tại chỗ, vừa hạn chế cỏ dại mọc.
Lối canh tác độc đáo này của chị Thu đã mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Đây cũng là cách làm nông nghiệp bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Chọn làm nông nghiệp theo cách riêng đồng nghĩa với việc mình phải đối mặt với nhiều thử thách hơn. Tuy nhiên, mình tin hướng đi đã chọn không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng mà còn bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên”, chị Thu tâm sự.
Những thành tích xuất sắc chị Nguyễn Thị Thu đã đạt được: Danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2019 do Chủ tịch thành phố Hà Nội khen thưởng; Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; Đạt giải Nhất giải thưởng Vietfarm 2019; Top 9 vào chung kết chương trình Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo của tổ chức WISE do chính phủ Úc tài trợ. Chị cũng là thành viên tư vấn hỗ trợ dự án: Phụ nữ Sơn La khởi nghiệp và kinh doanh nằm trong khuôn khổ dự án GREAT do Chính phủ Úc tài trợ và do WISE thực hiện hướng tới mục tiêu trao quyền cho phụ nữ địa phương trong nông nghiệp và du lịch, tăng cường sự tham gia vào chuỗi liên kết, cải thiện quản trị và chính sách ngành; Giảng viên cho dự án Hỗ trợ cải thiện sinh kế tại Hương Ngải, Thạch Thất trong khuôn khổ dự án ENHANCED do Tổ chức Lao động Quốc tế được đại diện bởi Văn phòng lao động quốc tế ILO với Liên minh HTX Hà Nội thực hiện; Giảng viên cho dự án "Rác - sinh kế phụ nữ Bắc Ninh" do Tỉnh Hội phụ nữ và Nông nghiệp sạch thực hiện. |