Rét đậm, gia tăng bệnh nhân đột quỵ nhập viện
Ca bệnh đột quỵ, tim mạch tăng đột biến
Thời gian gần đây, Khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng). Đáng nói, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng nhập viện do chủ quan không giữ ấm cơ thể.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện E cũng liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa do nhiều người còn chủ quan.
Người già nhập viện do thời tiết lạnh sâu |
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ThS.BS Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, thời tiết biến đổi thất thường khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.
"Trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 20 - 30 ca bệnh cấp cứu vì biến chứng do phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong đó, 10% phải thở máy. Số ca bệnh liên quan tới đột quỵ, huyết áp, hô hấp tăng lên đáng kể", ThS Hiếu cho hay.
Những ngày qua, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường. Theo BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
"Thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10 độ C. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm đối tượng khác", BS Thắng nói.
Còn tại khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng). Đáng nói, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng nhập viện do chủ quan không giữ ấm cơ thể.
Theo BS Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3 - 5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người già và người trẻ. Theo đó, có đến 70 - 80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh.
Những thói quen sai lầm trong ngày lạnh
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não, nuôi các cơ quan đặc biệt là não đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn ra ngoài đè ép vào các tế bào não.
Khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.
Thời tiết trở lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền |
Theo các bác sĩ, hiện số bệnh nhân đột quỵ đến trong giờ vàng (dưới 4h) chỉ chiếm 20%. Bệnh nhân vẫn có hiện tượng sơ cứu không đúng như rạch ngón tay, ngón chân, cạo gió... Bác sĩ Thọ cho biết, có trường hợp vào cấp cứu, người nhà đã rạch 10 đầu ngón tay, 10 đầu ngón chân.
Bác sĩ khuyến cáo, những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu; nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng, không nên đột ngột ra khỏi giường.
Ngoài ra, mọi người cần chú ý giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời; uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh; không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
Người dân cần giữ ấm cơ thể, không chủ quan khi ra ngoài trời lạnh và không dậy tập thể dục sớm. Việc tập luyện có thể chuyển sang vào trong nhà để làm nóng cơ thể như đạp xe tại chỗ, các bài đi bộ bước nhỏ.
Khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại nhà, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên nhanh chóng gọi Cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ.
Người sơ cứu tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, nửa ngày hoặc vài ngày mới đưa đi cấp cứu làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị.
Trong lúc chờ xe cấp cứu, mọi người nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ, nếu có răng giả thì phải lấy ra; không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân có thể có rối loạn nuốt.