Tag

Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn

Thị trường - Tài chính 30/07/2024 18:21
aa
TTTĐ - Nhận thức rõ tầm quan trọng của xăng dầu đối với phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm chỉ đạo sát sao đối với mặt hàng chiến lược này.
Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu Petrovietnam: Khai thác dầu thô, sản xuất xăng dầu tăng trưởng ấn tượng Tăng cường tuyên truyền phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu dịp Tết
Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn
Tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" - Ảnh VGP/Dương Tuấn

Tuy thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu còn một số hạn chế trong việc điều hành giá xăng khi giá xăng trong nước đang chịu sự chi phối lớn từ xăng dầu thế giới. Hiện nay Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ, ngành đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu. Để có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này, ngày 30/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả".

Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế: Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội; Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình; Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo; Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam; chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình: Giá thế giới là nhóm tác động lớn nhất tới giá xăng dầu trong nước - Ảnh VGP/Dương Tuấn
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình: Giá thế giới là nhóm tác động lớn nhất tới giá xăng dầu trong nước - Ảnh VGP/Dương Tuấn

Giá xăng dầu thế giới tác động lớn nhất

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình cho biết: Mặt bằng giá xăng trong nước từ đầu năm 2024 đến nay tương đối ổn định, không có biến động lớn. Về nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá xăng dầu, theo ông Bình, là do sự thay đổi của giá xăng dầu thế giới khi tỉ lệ cấu thành giá chiếm khoảng 65-77%; yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29%; chi phí định mức dao động từ 7,5-11%; ngoài ra còn một số yếu tố cấu thành giá nữa là về lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu. Như vậy, giá xăng dầu thế giới tác động lớn nhất tới giá xăng dầu trong nước.

Cùng quan điểm, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo nhận định: Mặt hàng xăng dầu không tuân thủ theo quy luật cung-cầu thuần túy mà từ lâu đã “thoát ly”, phụ thuộc nhiều vào địa chính trị như: chiến tranh, thiên tai, những sự đầu cơ quá lớn của các tổ chức tài chính… Do đó, xăng dầu trong nước cũng chịu ảnh hưởng khi điều hành giá bán phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.

Ông Bùi Ngọc Bảo đồng quan điểm với ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định - Ảnh VGP/Dương Tuấn
Ông Bùi Ngọc Bảo đồng quan điểm với ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định - Ảnh VGP/Dương Tuấn

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay còn những bất cập, do đó cần có cơ chế xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định. “Với quản lý Nhà nước, theo tôi đầu tiên là bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế này. Thứ hai, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý. Còn lại, hãy để thị trường vận hành. Vừa qua, tôi thấy rằng Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định rất đúng đắn đó là phải đánh giá, rà soát lại và xây dựng mới nghị định để thay thế những tồn tại trong Nghị định 83, Nghị định 95,…trong thời gian vừa qua”, ông Bùi Ngọc Bảo nêu quan điểm.

Ông Lương Hoài Nam tham gia tọa đàm qua truyền hình trực tuyến
Ông Lương Hoài Nam tham gia tọa đàm qua truyền hình trực tuyến

Một bất cập được Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam nêu ra tại tọa đàm đó là: “Nghịch lý xăng dầu phi hàng không có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối trong khi xăng dầu hàng không chỉ có 2 nhà cung cấp. Mặt hàng xăng dầu hàng không thậm chí còn đang được Nhà nước thả nổi, không quản lý giá, Bộ Tài chính chỉ quản lý một phần nhỏ về phí”. Do đó, cơ quan chức năng cần sửa đổi quản lý giá xăng dầu theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương để có sự hợp lý trong tiếp cận xăng dầu dân dụng bình thường và xăng dầu hàng không.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần thiết phải sớm sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Bởi trong thời gian qua vấn đề an ninh năng lượng của quốc tế nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng đều bị tác động bởi yếu tố địa chính trị (xung đột Nga - Ukraine, xung đột Hamas – Israel) dẫn đến giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm, chi phí vận tải biến động tăng cao, thất thường,... Trước tình hình này, nhiều quy định trong các nghị định, văn bản quản lý mặt hàng xăng dầu trước đây đã không còn thích hợp và cần phải thay đổi sớm.

Ông Hoàng Văn Cường: Phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh - Ảnh VGP/Dương Tuấn
Ông Hoàng Văn Cường: Phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh - Ảnh VGP/Dương Tuấn

Để thị trường điều tiết

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhận định, xăng dầu là mặt hàng mang tính chiến lược. Nếu giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến chi phí vận chuyển, đầu vào sản xuất...Việt Nam bình ổn giá xăng dầu thông qua 3 công cụ: Điều hành thông qua giá cơ sở; công cụ thuế; trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Chúng ta đang sử dụng công cụ khá tổng hợp như nhiều quốc gia. Trong đó, nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều này thể hiện trong nhiều lần biến động lớn của giá xăng dầu trên thế giới, nhưng với các công cụ bình ổn, chúng ta đã không tạo ra cú sốc bất thường trên thị trường”, ông Hoàng Văn Cường phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Cường, công tác quản lý điều hành xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập. Mặc dù Nhà nước kiểm soát giá nhưng vẫn phải theo sự biến động bất thường của giá thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn dùng công cụ hành chính nhà nước áp đặt cho công ty kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc không đảm bảo lợi nhuận như doanh nghiệp tính toán.

“Việc dùng công cụ thuế hay trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất là chúng ta đang dùng sức mạnh về ngân sách, nguồn lực của người dân để bình ổn giá mà chưa dùng công cụ thị trường. Điều này dẫn đến chính sách hơi ''cào bằng'', doanh nghiệp kinh doanh tốt hay kém đều bán với giá như nhau. Việc này sẽ không tạo ra được giá bán cạnh tranh trên thị trường”, ông Cường nhìn nhận.

Ủng hộ quan điểm cần sửa đổi những tồn tại trong Nghị định 83 về điều hành xăng dầu, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: Việc sửa đổi chính sách quản lý phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, giá kinh doanh thế nào cũng để cho các doanh nghiệp tự xác định giá.

“Nhà nước không can thiệp nhưng cần có công cụ điều tiết. Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập có thể dùng để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá.

Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm - Ảnh VGP/Đức Tuân
Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm - Ảnh VGP/Đức Tuân

Đề xuất thành lập sàn giao dịch xăng dầu

Trước các bất cập của thị trường xăng dầu có nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Ngày 18/7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh kiến nghị về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm: Việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu là cần thiết. Bởi sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.

Thêm vào đó, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như hợp đồng, hợp đồng phái sinh sẽ tốt hơn. Và lợi ích cuối cùng, đó là sàn giao dịch xăng dầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch khác cũng như thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, dịch vụ tài chính Ngân hàng, chứng khoán…

“Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn và giảm độc quyền. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì chuyên gia Ngô Trí Long cũng nêu một số thách thức như: chi phí ban đầu lớn, cần cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ ngăn chặn được sự thao túng thị trường, năng lực tham gia của các doanh nghiệp, rủi ro về thị trường và phải tương thích với các quy định quốc tế. “Việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên để quản lý, vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu và mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Trước mắt, theo tôi nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp”, chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đồng tình với việc nên có sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng sàn giao dịch phải cho phép được giao dịch mua bán tự do và có thể tính đến việc người bán lẻ có được quyền mua của nhiều nhà cung cấp. Từ đó, khuyến khích các nhà đầu mối phân phối tìm cách dự trữ xăng dầu tốt nhất. Như vậy, dù giá xăng dầu thế giới có biến động vẫn có thể bán ra với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với những nhà phân phối khác, góp phần tạo ra sự cạnh tranh để giá xăng đầu thấp hơn mà không đẩy giá lên cao ngay khi giá thế giới tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo: Chúng ta không thể thoát ly được khỏi giá xăng dầu quốc tế - Ảnh VGP/Dương Tuấn
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo: Chúng ta không thể thoát ly được khỏi giá xăng dầu quốc tế - Ảnh VGP/Dương Tuấn

Giảm thiểu những quy định hành chính với doanh nghiệp

Đề xuất về dự thảo Nghị định mới trong kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng việc đầu tiên đó là cần xây dựng công thức tính giá đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, ông Bảo đề nghị không nên đưa vào Nghị định việc xây dựng lợi nhuận định mức bởi “kinh doanh lỗ phải chịu, doanh nghiệp làm lỗ, không cạnh tranh được thì ra khỏi thị trường”.

“Cần giảm thiểu những quy định mang tính chất hành chính đối với các doanh nghiệp bởi hiện nay chúng ta có quá nhiều quy định. Tôi rất mong Nghị định mới sẽ “trường tồn hơn”, vừa đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực rất nhạy cảm này, vừa đảm bảo được tính chủ động của doanh nghiệp, quyền quyết định của doanh nghiệp, vừa đảm bảo được sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với những sản phẩm có sự quản lý đấy mà kinh doanh”, ông bảo nói.

Còn đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ sự vui mừng vì tinh thần sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu đang hướng theo thị trường. “Tôi đề nghị công cụ thuế phải xác định rất rõ điều tiết trên cơ sở hoạt động giá của doanh nghiệp đưa ra. Với công cụ thuế sẽ hướng doanh nghiệp không bao giờ đưa ra mức giá để hưởng lợi ích, lợi nhuận cao và độc quyền mà luôn luôn phải theo xu hướng đưa ra mức giá thấp nhưng cung cấp được lượng hàng hóa nhiều thì sẽ sinh lời. Như vậy sinh lời cho doanh nghiệp mà mức thuế thấp thì mang lại lợi ích cho người dân nhiều”, ông Cường đề nghị.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Mặt hàng kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cho nên điều kiện kinh doanh phải thật rõ ràng, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.Trong quá trình xây dựng Nghị định, đề nghị các cơ quan chức năng rất thận trọng và xem xét khách quan, tham vấn tất cả cộng đồng, mạng xã hội.

“Vấn đề cốt lõi hiện nay tạo nguồn cung là cơ chế định giá. Một doanh nghiệp kinh doanh muốn có lãi hay không thì căn cứ vào giá, mà trong quy định tùy thuộc vào điều kiện của thị trường để chúng ta quyết định phương thức quản lý giá như thế nào. Riêng đối với thị trường xăng dầu hiện nay, còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thì Nhà nước phải quy định giá áp trần cho hợp lý”, ông Ngô Trí Long nói.

Đọc thêm

Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt Thị trường - Tài chính

Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

TTTĐ - Sáng 22/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Sửa luật để đáp ứng tình hình mới của nền kinh tế Thị trường - Tài chính

Sửa luật để đáp ứng tình hình mới của nền kinh tế

TTTĐ - Sáng 22/11, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
MB trợ lực khách hàng cuối năm với gói vay chỉ từ 5,5%/năm Thị trường - Tài chính

MB trợ lực khách hàng cuối năm với gói vay chỉ từ 5,5%/năm

TTTĐ - Ngân hàng Quân đội (MB) hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sửa chữa, mở rộng quy mô và tăng tốc kinh doanh cuối năm với gói "Vay nhanh siêu tốc - Bứt tốc kinh doanh" lãi suất chỉ từ 5,5%/năm và mức vay lên tới 90% nhu cầu vốn.
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm Thị trường - Tài chính

Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm

TTTĐ - Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ khiến mặt hàng này tăng giá, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các chuyên gia đã có những phân tích cụ thể.
“Mưa” quà tặng hơn 3 tỷ đồng dành cho khách hàng Vietbank Thị trường - Tài chính

“Mưa” quà tặng hơn 3 tỷ đồng dành cho khách hàng Vietbank

TTTĐ - Tiếp nối thành công của chương trình "Quà tặng tiền tỷ, chào Thu hết ý", Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) tung ưu đãi "Mùa hội, bội quà" nhằm tri ân khách hàng nhân mùa lễ hội sôi động cuối năm.
Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam Thị trường - Tài chính

Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

TTTĐ - Ngày 19/11, Ban Quản lý dự án STEP đã tổ chức tổng kết dự án Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (STEP).
Sacombank triển khai dịch vụ giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp Thị trường - Tài chính

Sacombank triển khai dịch vụ giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp

TTTĐ - Để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kịp thời, Sacombank triển khai dịch vụ “Giải ngân trực tuyến” trên hệ thống Ngân hàng điện tử (Internet Banking) tại www.isacombank.com.vn, cho phép khách hàng nhận vốn vay nhanh chóng. Đây là một bước tiến mới nhằm số hóa quy trình giao dịch với khách hàng của Sacombank.
Quảng Ngãi: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm Kinh tế

Quảng Ngãi: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

TTTĐ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang lưu ý các chủ đầu tư tăng cường trách nhiệm, phối hợp giải quyết các vướng mắc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến hết năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 80% kế hoạch vốn giao.
Tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng Kinh tế

Tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng

TTTĐ - Bộ Tài chính lưu ý, người dân khi mua xăng dầu yêu cầu nhân viên phải trả màn hình hiển thị kết quả đo lường về số 0 trước khi tiếp tục bán hàng để chống gian lận, bảo vệ người tiêu dùng.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh thu bán lẻ đạt hơn 62.000 tỷ đồng Nhịp sống phương Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh thu bán lẻ đạt hơn 62.000 tỷ đồng

TTTĐ - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 6.211,8 tỷ đồng, tăng 11,87% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng, ước đạt 62.026,08 tỷ đồng, tăng 12,98%.
Xem thêm