Sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch quốc tế, áp dụng "hộ chiếu vắc xin"
Thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021
Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đoàn Văn Việt đã ký ban hành Văn bản số 4122/HD-BVHTTDL hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021.
Ảnh minh họa |
Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022) sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1 (có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế) sau khi khách đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.
Giai đoạn 3 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Hành trình của du khách tối thiểu là 7 ngày và tối đa là 90 ngày. Du khách đến Việt Nam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 đủ ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh hoặc có chứng nhận đã khỏi Covid-19 xuất viện không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
Bên cạnh đó, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Khách phải có bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 USD. Mua tour trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Sau 7 ngày ở Việt Nam, khách đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày sẽ được xét nghiệm RT-PCR. Nếu âm tính, khách có thể đến các địa phương khác được phép đón khách du lịch quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói.
"Hộ chiếu vắc xin" sẽ được áp dụng ra sao?
Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới.
Các địa phương đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và lực lượng lao động, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và đề xuất được đón khách du lịch quốc tế.
Hộ chiếu vắc xin (Ảnh minh họa) |
Bộ Ngoại giao tạm thời công nhận “hộ chiếu vắc xin” của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang trao đổi với gần 80 đối tác khác về công nhận lẫn nhau đối với “hộ chiếu vắc xin”. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế liên quan cùng phát triển.
Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận hộ chiếu vắc-xin của các nước tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là về loại vắc-xin, theo đó, Việt Nam chấp nhận các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hoặc cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Tôi nghĩ rằng liên quan đến khái niệm an toàn, tiếp cận từ góc độ khách du lịch hay doanh nghiệp, ở thời điểm thí điểm này thì vấn đề đặt ra đầu tiên là "hộ chiếu vắc xin" hay "giấy thông hành vắc xin".
Trên thế giới, ví dụ như Châu Âu, khu vực đầu tiên áp dụng "hộ chiếu vắc xin", tôi thấy họ cũng rất thận trọng trong việc mở cửa. Họ chỉ mở cửa biên giới từ ngày 1/7 với những nước trong cộng đồng Châu Âu. Thêm vào đó, tôi muốn nói sâu hơn về hộ chiếu vắc xin. Rõ ràng, hộ chiếu vắc xin có những ưu điểm như đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho giáo dục và các ngành khác.
Tuy nhiên hộ chiếu vắc xin cũng có những hạn chế như: Việc phân bổ vắc xin chưa đồng đều, không phải nơi nào cũng đảm bảo tiêm chủng đạt mức 70% để người dân đi lại thuận lợi".
Do đó, chúng ta cũng cần dự liệu và tháo gỡ các vướng mắc khi mở lại bay quốc tế là giữa nước chiều đi và chiều đến, phải đạt được sự thống nhất về công nhận “hộ chiếu vắc xin”; Tính pháp lý và và công nhận liên thông cho “căn cước xanh” đối với các hành khách đã tiêm đủ liều hoặc đáp ứng các yêu cầu phòng dịch của ngành Y tế.
Việc các địa phương phủ nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin vừa là để cấp “căn cước xanh” cho công dân, vừa tạo ra các điểm đến an toàn hơn cho du khách. Từ đó, các địa phương và cả nước từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch.