Bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu Đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài |
Sáng 25/4, Báo Người Lao động đã phối hợp tổ chức phiên thứ 2 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu".
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; tham tán thương mại, thương vụ nước ngoài; lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; chuyên gia kinh tế...
Quang cảnh diễn đàn |
Thị trường thế giới nhiều biến động
Chia sẻ tại diễn đàn của Báo Người Lao động, ông Trần Trọng Kim, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Arab Saudi thông tin, căng thẳng ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trong quý I/2024 bắt đầu trở nên căng thẳng hơn, tình hình chiến sự thường xuyên bất ổn, hàng hoá liên tục gián đoạn.
Các công ty vận tải phải tránh đi đường vòng qua Châu Âu, Châu Phi, thay vì đi qua kênh đào Suez. Trọng tải tàu vào kênh đào Suez đã giảm 42%; trong khi tổng tải trọng vào Mũi Hảo Vọng tăng 87%, trung bình di chuyển 7 ngày… Những điều này làm tăng thêm chi phí, chậm trễ giao hàng trong quý II/2024.
Với bối cảnh này, ông Trần Trọng Kim khuyến nghị doanh nghiệp Việt muốn xuất khuẩn sang thị trường Trung Đông cần tăng cường đầu mối nhập khẩu mà không đi qua Biển Đỏ; khi giao dịch với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng ở khu vực này, cần ký hợp đồng thanh toán qua dạng thư tín dụng L/C, ký hợp đồng bảo đảm.
Đặc biệt, không trả trước bất kỳ một khoản phí nào như phí môi giới hợp đồng, phí hóa đơn vì đây là lừa đảo.
Ông Trần Trọng Kim, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Arab Saudi chia sẻ qua màn hình trực tuyến |
Bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng (Châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí tăng, thiếu container rỗng, giá container rỗng cao… khi Châu Á xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho xuất khẩu, Bộ Công thương đã có sự trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội, logistics xem xét tuyến đường thay thế bằng đường tàu hoặc kết hợp đa phương tiện (đường bộ, đường tàu biển, đường sắt…)
Đại diện Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng cần lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường cập nhật thông tin từ Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải để nắm bắt sớm thông tin.
Nhiều lĩnh vực xuất khẩu còn cơ hội tăng trưởng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hiện nay xuất khẩu vào 3 thị trường quan trọng của thủy sản Việt là Trung Quốc, Mỹ, Nhật đang tăng ổn định khoảng 16%/mỗi thị trường.
Nhìn chung, thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tham luận tại hội thảo |
Ông Hoè thông tin thêm, quý I/2024 với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển.
Còn theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công nhận định, xuất khẩu dệt may năm 2024 có tiến triển với 2023 dù chưa thật sự lấy lại đỉnh các năm trước đó.
“Trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang đứng trong 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn, xếp sau Trung Quốc và Bangladesh”, ông Tùng thông tin.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công |
Theo ông Tùng, vấn đề hiện nay với ngành Dệt may là chi phí tăng. Khách hàng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy xanh, sạch và chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn ESG, điện mặt trời, giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế… để đáp ứng yêu cầu của các nhà mua hàng ở châu Âu hiện nay và Hàn Quốc, Mỹ... trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng để doanh nghiệp dệt may làm tốt phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và có nguồn vay vốn ưu đãi từ tổ chức tài chính..
Nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn dồi dào, doanh nghiệp nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu chắc chắn sẽ được cho vay vốn.
Về lãi suất hiện đã rất thấp trong vài chục năm nay, nhất là các khoản vay mới. Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm sẽ hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, vẫn duy trì lãi suất điều hành hiện tại và khuyến khích các Tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Chính sách giãn, hoãn các khoản nợ doanh nghiệp chưa trả được sẽ kéo dài tới hết năm 2024 thay vì chỉ tới ngày 30/6 khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 02.
Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu |
Phát biểu kết luận, Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân gửi lời cảm ơn đến những đóng góp, giải pháp rất rõ ràng, cụ thể của các chuyên gia đã đóng góp cho diễn đàn và cơ quan Nhà nước
Tổng Biên tập báo Người Lao động cho biết sẽ tập hợp đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến cơ quan chức năng để xây dựng phương hướng trong thời gian tới.