Siêu thị, hàng ăn, chợ dân sinh mở cửa từ mùng 2 Tết
Hàng hóa dồi dào, nhiều chương trình ưu đãi
Ngay từ sáng mùng 2 Tết, một số trung tâm thương mại, siêu thị và chợ dân sinh đã mở cửa trở lại với nhiều chương trình ưu đãi, cũng như đảm bảo nhu cầu thực phẩm dồi dào cho người dân.
Cụ thể, hệ thống các siêu thị Co.opmart, MM Mega Market ngày mùng 2 Tết bắt đầu mở cửa trở lại.
Tại siêu thị Aeon Hà Đông và Long Biên (Hà Nội) mở cửa hoạt động từ 12h đến 22h. Từ ngày mùng 2 Tết các siêu thị mở cửa hoạt động bình thường từ 8h sáng.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị BigC, GO! mùng 2 Tết mở cửa hoạt động bình thường từ 8 - 22 giờ mỗi ngày. Tương tự, hệ thống siêu thị Tops Market mở cửa hoạt động như ngày thường từ 8 - 22 giờ mỗi ngày.
Người dân mua sắm tại siêu thị trong ngày mùng 2 Tết |
Trong dịp đầu năm mới, một số nhà bán lẻ còn tung ra chương trình khuyến mãi, giảm giá cho đa dạng ngành hàng. Với đơn hàng đạt giá trị cụ thể, khách hàng sẽ được lì xì, bốc thăm trúng thưởng... Đơn cử, hệ thống siêu thị Co.opmart triển khai chương trình "Khai xuân như ý - Rước lộc lì xì", với hóa đơn 400.000 đồng, khách hàng được nhận bao lì xì từ 20.000 đồng đến 500.000 đồng, cùng nhiều ưu đãi khác.
Trong ngày đầu tiên mở cửa và trở lại hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh cho rằng, chủ yếu khai trương vào ngày tốt và góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, sức mua trên thị trường trong những ngày đầu năm phổ biến khá yếu nên giá cả hàng hóa tương đối ổn định, vẫn duy trì ở mức giảm như thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để bảo đảm nguồn cung, ngay trong dịp Tết, một số hệ thống siêu thị đã dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: "Để chuẩn bị lượng hàng đầu năm, Saigon Co.op đã có những kho lạnh, kho mát để bảo quản. Riêng về thịt thì chúng tôi làm việc với nhà cung cấp phải có hàng để bán cho khách hàng".
Dù mở cửa bán hàng trở lại khá sớm, hàng hóa của các siêu thị vẫn phong phú |
Dù mở cửa bán hàng trở lại khá sớm, hàng hóa của các siêu thị vẫn phong phú. Không những mở cửa bán hàng sớm, hệ thống siêu thị còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi và lì xì cho khách liên tục.
Theo đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ, các đơn vị này tiếp tục duy trì quy định về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí nước xịt tay sát khuẩn, thực hiện đo nhiệt độ… để bảo đảm phòng, chống dịch triệt để, tạo điều kiện để khách hàng yên tâm mua sắm.
Đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, giá cả ổn định
Cũng trong sáng mùng 2 Tết, nhiều khu chợ tại Hà Nội đã hoạt động trở lại. Ghi nhận tại các chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ trong khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa), chợ tạm Nhân Chính (Thanh Xuân), Gia Lâm… nhiều hàng quán đã mở cửa, chủ yếu là bán rau xanh, bún, bánh phở, trái cây, hàng ăn nhanh…
Ngày Tết nên giá thực phẩm tăng nhẹ, cụ thể, súp lơ xanh từ 10.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/cây, chanh quả từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/kg, rau cần từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ...
Nhiều gia đình Hà Nội đã không còn thói quen tích trữ thực phẩm trước Tết mà ngay mùng 2 đã xuống phố, chọn lựa những loại rau tươi, thịt mới hay bìa đậu còn nóng để về chuẩn bị bữa cơm đoàn viên. Giá các loại thịt, rau chỉ nhích nhẹ hơn ngày thường với tâm lý người bán “lấy may” và người mua cũng vui vẻ chọn lựa, không cầu kỳ mặc cả.
Một số quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng bắt đầu mở cửa phục vụ người dân từ sáng mùng 2 Tết. Bên cạnh việc thưởng thức đồ uống, nhiều người lại lựa chọn các món ăn nóng, có vị chua nhẹ để “chữa ngán” cho những bữa cỗ truyền thống tại gia đình. Giá mỗi bát phở tăng nhẹ hơn ngày bình thường, trung bình từ 40.000 - 75.000 đồng/bát nhưng vẫn được các thực khách hài lòng thưởng thức.
Nhiều khu chợ dân sinh cũng mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết |
Tuy mở cửa bán buôn sớm nhưng nhiều ngành hàng vẫn duy trì mức giá và nguồn cung tương đối ổn định so với thời điểm trước Tết. Nguồn cung hàng hóa tại mạng lưới chợ truyền thống khá dồi dào như dừa trái chỉ có giá bán phổ biến từ 15.000-20.000/đồng trái, bưởi da xanh từ 35.000-40.000 đồng/kg; Hoa cúc cắt cành các loại từ 40.000-70.000 đồng/bó, hướng dương từ 80.000-110.000 đồng/bó, đồng tiền từ 5.000-8.000 đồng/bông...
Đặc biệt, tại các chợ không để xảy ra tình trạng hàng tăng giá, kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các nhà bán lẻ đã nỗ lực đảm bảo lượng hàng bình ổn tăng từ 5-30% tùy nhóm. Riêng những mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 10-30% như rau củ, quả, trái cây, các loại thịt và bia, nước giải khát...
Các điểm bán lẻ cũng được doanh nghiệp, nhà sản xuất tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh và xử lý ngay đối với sản phẩm chưa đáp ứng chất lượng và quy định về an toàn thực phẩm. Các đơn vị này cho biết, hoạt động kiểm tra tập trung vào nhóm mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán gồm: Thịt gia súc, gia cầm; Trứng gia cầm, thủy hải sản; Bánh, gạo, mứt...
Qua đó, hoạt động của các đơn vị, nhà bán lẻ đã hạn chế, ngăn ngừa tối đa sự cố về thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng hết hạn sử dụng... góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.