Sinh viên Mỹ và gánh nặng nợ học phí
Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người Mỹ dành phần lớn thời gian đi làm chỉ để trả nợ. Ảnh: tvo.org
Bài liên quan
Nhật Bản: Vấn nạn cha mẹ bạo hành con cái gia tăng
Giải cứu 19 phụ nữ khỏi “nhà máy sản xuất trẻ em” ở Lagos
Amsterdam tìm cách hạn chế khách du lịch
Thái Lan trong cuộc đua thu hút các công ty nước ngoài
Khủng hoảng nợ của sinh viên
Theo thống kê gần đây nhất, khoảng 45 triệu người dân Mỹ phải vay tiền để chi trả các khoản phí đắt đỏ ở môi trường đại học. Tổng số tiền nợ lên đến 1.600 tỷ USD.
Theo CNBC, nợ học phí của sinh viên Mỹ đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua và dự đoán đạt sẽ đạt mức 2.000 tỷ USD vào năm 2022. Trung bình, một sinh viên tốt nghiệp đại học tại xứ sở cờ hoa nợ khoảng 30.000 USD, tăng từ mức 16.000 USD vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước (đã tính lạm phát).
Từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước đến năm 2018, học phí đại học ở Mỹ tăng 213% tại các trường công lập, từ 3.190 USD lên 9.970 USD và tăng 129% tại các trường tư thục, từ 15.160 USD lên 34.740 USD (đã tính cả yếu tố lạm phát). Trong khi đó, tiền lương ở Mỹ trong cùng khoảng thời gian chỉ tăng 67%.
Nợ sinh viên hiện là loại nợ tiêu dùng cao thứ hai tại Mỹ, hơn cả nợ tín dụng và chỉ đứng sau nợ thế chấp. Phụ nữ da màu là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất với tổng nợ cao nhất trên mỗi sinh viên tốt nghiệp.
Dù nhiều người nhận được học bổng và hỗ trợ tài chính nhưng học phí đại học ở Mỹ cao tới mức đa số sinh viên không trả nợ đúng thời hạn. Ông Cody Hounanian, Giám đốc Khủng hoảng nợ sinh viên, tổ chức phi lợi nhuận ở California, cho biết, về lâu dài tiền lãi cộng dồn tiền gốc khiến gánh nặng trả nợ tăng dần. Điều này khiến cho sinh viên Mỹ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn vay nợ để học đại học và dành phần lớn thời gian đi làm để trả nợ.
Năm 2018, Viện nghiên cứu Brookings Institution (Hoa Kỳ) đã công bố một báo cáo về vấn đề này cho thấy, sinh viên Mỹ có thể mất 20 năm mới trả xong nợ vay học đại học. Cũng theo báo cáo, đến năm 2030, 40% số người nợ tiền ăn học ở Mỹ có thể rơi vào cảnh vỡ nợ.
Những chuyện dở khóc, dở cười
Anh Chad Haag (29 tuổi) lớn lên ở bang Colorado (Mỹ) đã quyết định rời bỏ quê hương đến Ấn Độ sống tại một hang động sâu trong rừng để trốn nợ học phí đại học. Với mức sinh hoạt phí chỉ khoảng 50 USD/tháng (hơn một triệu đồng), nỗi âu lo về món nợ học phí khổng lồ tạm lùi xa với Haag.
Khi còn là sinh viên, anh nợ 20.000 USD. Con số tuy không nhiều so với món nợ của nhiều sinh viên khác nhưng theo Haag, anh khó có thể tìm được việc làm phù hợp để trả số tiền đó. “Nếu bạn không kiếm được tiền lương đủ sống thì khoản nợ 20.000 USD quả là khủng khiếp và có sức tàn phá cuộc sống”, Haag nói.
Người dân Mỹ có thể phải dành tới 20 năm để trả hết số nợ từ thời sinh viên. Ảnh: Getty |
Anh đã vật lộn với nhiều nghề trong thời buổi suy thoái kinh tế như bốc dỡ hàng, chế tạo tên lửa đồ chơi sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Colorado vào năm 2011. Sau đó, Hagg tiếp tục trở lại trường học để theo đuổi bằng thạc sĩ về Văn học. Với sự cố gắng không ngừng, Hagg trở thành trợ lý giáo sư. Tuy nhiên, anh vẫn không thể trang trải cuộc sống. Không ngừng nuôi hy vọng thoát nợ, Hagg kiếm được công việc toàn thời gian là chuyển phát y tế, giao mẫu nước tiểu và máu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, anh đã thất vọng khi nhận thấy chỉ mang về 1.700 USD/tháng. Sau khi trừ một phần cho khoản nợ sinh viên, Haag chẳng còn lại là bao.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Theo ông Barmak Nassirian, Giám đốc đối ngoại liên bang của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng tiểu bang ở Mỹ, rời bỏ quê hương đang thực sự trở thành một vấn nạn khi rất nhiều sinh viên Mỹ chọn con đường như Hagg.
Tuy nhiên, Mark Kantrowitz, chuyên gia về học phí đại học cảnh báo, những sinh viên trốn nợ học phí khi trở về Mỹ sẽ thấy nợ không những còn đó mà tăng thêm do tiền lãi và tiền phạt đóng chậm.
Tình trạng càng nghiêm trọng hơn với những gia đình có hai thế hệ trong nhà phải gánh món nợ học phí từ thời đại học. Đó là câu chuyện của cô Haley Walters, vừa tốt nghiệp khoa học chính trị sau hai năm học tập ở Đại học Pasadena City, gần Los Angeles. Sắp tới, cô sẽ nhập học một trường danh tiếng hơn và tất nhiên là đắt đỏ hơn, Đại học California Berkeley, với mục tiêu là tấm bằng cử nhân luật.
Mặc dù nhận được học bổng nhưng Haley buộc phải vay thêm tiền để chi trả gần 20.000 USD các loại phí khác. Cô kể suốt thời thơ ấu luôn nghe mẹ (nay đã 58 tuổi), kể về khoản nợ sinh viên ám ảnh.
“Quá khứ nợ nần làm tê liệt tài chính gia đình như thế nào đã ăn sâu vào trí nhớ tôi. Chúng tôi không dám đi nghỉ mát. Nhiều khi, tôi không có đồ dùng cho năm học mới và tất nhiên các món quà sinh nhật cũng vô cùng ít ỏi”, Haley chia sẻ.
Không chỉ giới trẻ Mỹ bận rộn với việc trả nợ vay ăn học mà hơn 3 triệu người Mỹ từ 60 tuổi trở lên cũng đang gánh hơn 86 tỷ USD nợ học tập chưa trả được từ thời còn là sinh viên.