Sinh viên thế hệ mới gắn kết để cùng nhau đi xa hơn
Nhiều phương án lựa chọn bước hành động
Trước khi nhận đề thi, 3 đội đã có sự chuẩn bị kỹ càng với khoá học về chu trình dự án giúp các bạn sinh viên có thêm những góc nhìn mới về công việc của đội mình. Từ dự án trên giấy đến thực tế, những lợi ích thương mại, bài học quý về lên kế hoạch, kêu gọi đầu tư, kinh nghiệm cá nhân… Nhiều đúc rút quan trọng được 3 đội thi áp dụng cho vòng thi Thực tế khu vực miền Nam.
Các bạn sinh viên khu vực miền Nam hào hứng với thử thách 4h của chương trình "Sinh viên thế hệ mới" |
Đề thi của vòng Thực tế đưa ra yêu cầu: “Tại giai đoạn thực tế triển khai dự án, các bạn có cụ thể bao nhiêu bước hành động và mục tiêu cần đạt được của bước hành động đó là gì? Trong 48h, các bạn hãy thực hiện tối thiểu 50% số bước hành động ấy”.
Các bạn sinh viên trường Đại học Y Dược TP HCM |
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM ban đầu đưa ra 10 bước, khi rà soát lại đã nâng lên thành 11 bước cùng mục tiêu đạt 100%. 10 bước và mục tiêu đạt 70% là lựa chọn của đội ĐH Y Dược TP HCM.
Đội trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II chọn 9 bước, mục tiêu trên 90%. Sự cách biệt này sẽ mang tới ưu thế cho đội đăng ký số bước hành động cao hơn ở phần đánh giá kết quả.
Gắn kết để cùng nhau đi xa
Điểm chung của 3 đội thi khu vực phía Nam là sự năng động, trải nghiệm giúp các bạn có thêm bản lĩnh khi triển khai vòng Thực tế. Không ít khó khăn đặt ra như 1 thành viên đi trễ khiến cả đội chờ đợi để bóc đề, thành viên bị chấn thương ảnh hưởng tới sức khỏe, thời gian chuẩn bị gấp gáp khiến việc tập luyện không như ý muốn, hao hụt nhân sự do điều kiện khách quan, thời tiết mưa gió… Các bạn trẻ biết vì cái chung để giảm cái tôi cá nhân xuống, động viên nhau vượt qua từng bước hành động trong dự án.
Đội trường ĐH Ngoại thương cơ sở II |
Đội trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tiếp tục gặp khó khăn về nhân sự khi Trà My xin nghỉ vì lý do sức khoẻ, 2 bạn có tiết kiểm tra song đội hình chỉ còn một nửa vẫn hăm hở quyết không bỏ cuộc. Bạn Nguyễn Thuý Duy, ĐH Y Dược TP HCM bị gãy ngón chân, vì không muốn ảnh hưởng tới nhóm nên nỗ lực tham gia các hoạt động bằng đôi chân trần.
Thúy Duy cho biết: “Động lực lớn nhất là các đồng đội đều cố gắng, quan tâm giúp đỡ mình, dù ở phía sau mình vẫn luôn luôn ở bên cạnh mọi người”. Với câu hỏi đưa ra: “Mọi người nghĩ có thể làm được không?”, tất cả các sinh viên đều hào hứng bắt tay vào việc và lôi kéo bạn bè, người thân hưởng ứng.
Đội hình cổ vũ hùng hậu
So với 2 đội bạn, các thành viên của trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM khá thuận lợi khi thực hiện 11 bước hành động.
Với những nội dung đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm, các bạn đã lựa chọn phương án… nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo. Tiến sĩ Ngô Minh Hải - Phó hiệu trưởng nhà trường đã giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất khi gặp nhà đầu tư, từ đó dễ dàng có thoả thuận hợp tác.
Các bạn sinh viên trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM |
Đội trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II cũng nhờ sự trợ giúp này, được thầy tư vấn thêm về dự án, tìm kiếm khách hàng phù hợp, giúp những khuôn mặt âu lo nở nụ cười rạng rỡ. Đội ĐH Y Dược TP HCM đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều bạn sinh viên cùng trường trong chuyến đi tới Cần Giờ phổ cập kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho các bạn học sinh THPT.
Cứ vui, cứ “cháy” hết mình với thử thách
Trải qua thử thách 48h, các bạn sinh viên đón nhận rất nhiều niềm vui khi thực hiện dự án. Với V.U.C - Truyền thông kiến thức sơ cấp cứu tới học sinh sinh viên, đội ĐH Y Dược TP HCM trải qua những ngày tươi đẹp khi dự án ấp ủ lần đầu được tổ chức, các bạn học sinh trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ hào hứng tiếp nhận. Cô Phạm Thị Lài đại diện trường THPT Cần Thạnh chia sẻ: “Mình cảm thấy bất ngờ, với một khoảng thời gian rất ngắn mà các em sinh viên của trường đã tổ chức được những hoạt động thật là ý nghĩa”.
Nụ cười của những du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm dự án SLOCAL mang tới tinh thần hào hứng cho đội trường ĐH Ngoại thương cơ sở II. Các bạn của trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM đã đưa Dự án VINHSANH ORGANICS đến Vĩnh Long, gặp địa diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gặp gỡ bà con, kết nối với nhà vườn, chính quyền địa phương cũng như đại diện siêu thị… với khí thế hân hoan.
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh - nông dân xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: "Khoảng chừng năm rưỡi nay cam không được giá. Mấy cháu xuống đây làm mô hình đầu ra cho cây cam, mừng dữ luôn”.
Dường như những thử thách không làm khó được các bạn sinh viên khi họ sát cánh bên nhau triển khai các bước hành động cho từng dự án. Tinh thần thoải mái, nhiều nụ cười, tiếng hát, câu vè khiến cho không khí của vòng thi Thực tế khu vực miền Nam trở nên sôi động, tạo sự gắn kết các thành viên trong nhóm. Các bạn chia sẻ: Cố gắng hết mình, cứ vui cứ cháy, dù kết quả như thế nào cũng hài lòng.