Số người tham gia BHYT của Hà Nội tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm
Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30/6, số người tham gia BHYT là hơn 7,3 triệu người, tăng 60.935 người so với tháng 12/2020, tăng 327.593 người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90.1% dân số (chỉ tiêu giao năm 2021 là 91,5%).
Xác định rõ thực hiện BHYT toàn dân là góp phần nâng cao sức khỏe và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nên BHXH thành phố Hà Nội đã tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT, cùng như phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức tốt công tác khám BHYT phục vụ nhân dân. Nhờ đó, số lượng người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT ngày càng gia tăng, mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngày càng cao.
Thống kê của ngành BHXH Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số lượt khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn toàn thành phố là 4.858.364 lượt với chi phí bệnh viện đề nghị cơ quan BHXH thanh toán cho bệnh nhân BHYT khoảng 8.532,9 tỷ đồng bằng 45,4% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, một số trường hợp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả kinh phí khám, chữa bệnh lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng như trường hợp bệnh nhân Kiều Phương Trang ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) bị suy tủy xương đã được gép tế bào gốc, thường khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương...
Từ ngày 1/6/2021, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh chỉ cần sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID |
Nhằm tạo điều kiện cho người tham gia BHYT trong khám, điều trị bệnh, từ ngày 1/6/2021, BHXH Thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn Thành phố đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.
Đây được coi là một trong những bước đi quan trọng của ngành BHXH trong kế hoạch triển khai dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhằm mang đến nhiều tiện ích cho người dân. Theo đó, người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT sẽ không cần phải mang theo thẻ BHYT giấy, thay vào đó có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Cách làm này đã giúp loại bỏ, đơn giản thủ tục khám chữa bệnh, đồng thời người dân cũng không cần phải lo lắng việc bảo quản thẻ BHYT, quên thẻ BHYT; tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám chữa bệnh được đảm bảo.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song cán bộ công chức, viên chức ngành BHXH Hà Nội không ngừng nỗ lực, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021.
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành
Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Hà Nội đạt 91,5% dân số, tương ứng cần tăng thêm ít nhất hơn 116.000 người trong 6 tháng cuối năm, BHXH thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định số người đã tham gia và thu hút thêm nhiều người mới tham gia; Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến các chính sách BHYT có hiệu lực thi hành từ hôm nay (1/7).
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Đơn cử như với Sở Y tế, cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nâng cao trách nhiệm, xây dựng các giải pháp cụ thể, quyết liệt của đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, thường xuyên cập nhật các quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật và các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.
Ngành BHXH Hà Nội không ngừng phối hợp với các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT |
Đồng thời, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người có thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định của pháp luật và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả trong nguồn dự toán dự toán được Chính phủ giao hàng năm, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Ngoài ra, BHXH Hà Nội cũng chú trọng, tập trung công tác phân tích, dự báo đánh giá tình hình chi phí khám chữa bệnh và sử dụng nguồn kinh phí chi khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh, xác định các chỉ số gia tăng bất thường để thông báo, cảnh báo cho các cơ sở y tế kịp thời rà soát điều chỉnh, đồng thời thông tin để các sở, ngành liên quan kịp thời có các giải pháp chỉ đạo xử lý.
Ngành BHXH cũng phải tổ chức công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT chặt chẽ, theo quy định hiện hành; tăng cường công tác giám định theo các chuyên đề qua phân tích dữ liệu và cảnh báo của BHXH Việt Nam.
Cán bộ ngành BHXH phải thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác giám định, kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí không đúng quy định; Tăng cường kiểm tra bệnh nhân nội trú trong giờ và ngoài giờ hành chính. Trường hợp phát hiện trục lợi và lạm dụng quỹ BHYT qua công tác kiểm tra, công tác giám định, báo cáo và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.