Sự cạnh tranh trong nghề là cơ hội phát triển bản thân
Quảng Nam: Tổ chức các lớp học nghề cho nông dân ở Điện Bàn Học nghề, tại sao không? Xu hướng học nghề tăng nhanh ở người trẻ |
Ăn ngủ cùng ý tưởng
Để đạt được tấm Huy chương Vàng danh giá, bản thân Kim Thảo, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã rất nỗ lực trong một hành trình dài. Trải qua nhiều cuộc thi từ cấp trường đến cấp thành phố, cô gái liên tục đoạt giải cao nhất và xuất sắc đại diện cho thành phố Hà Nội tham gia cuộc thi Kỹ năng Nghề quốc gia năm 2020.
Kim Thảo (bên trái) với tấm Huy chương Vàng danh giá trong cuộc thi vừa qua |
Có những đêm thức trắng vì một tác phẩm đang hiện ra trong đầu, cứ thế mà Thảo bị cuốn hút và trăn trở về cách làm ra tác phẩm ấy. Chính khoảng thời gian chạy đua vừa học, làm thêm, lại vừa trau dồi kỹ năng nghề để tham gia kỳ thi, dù mệt mỏi nhưng Thảo lại cảm thấy mình được sống cùng đam mê và tiến bộ từng ngày.
Cô gái sinh năm 1999, xuất thân từ một gia đình thuần nông tại tỉnh Hải Dương. Thuở bắt đầu bước chân vào trường đại học; Thảo vẫn còn nhút nhát, tự ti vì bản thân hoàn toàn chưa được tiếp xúc với thời trang hiện đại. Lại vốn có tính cách nội tâm, sống khép mình nên khoảng thời gian đầu thật sự khó khăn với cô.
Chính vì biết bản thân như một “trang giấy trắng”, Thảo quyết tâm học tập nghiêm túc ngay từ những năm đầu. Những ngày trong tuần, Thảo dành toàn bộ tâm sức cho việc học tập trung, nghe hiểu luôn trên lớp. Nhiều đêm thức làm bài tập thực hành, cô gái say mê, miệt mài quên ngủ.
Phút giây cống hiến và thỏa niềm đam mê của Thảo |
Cuối tuần, cô nàng tích cực xin đi may tại các nhà may để vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tế. Kỳ nghỉ hè nào Thảo cũng dành để học việc tại các công ty thời trang chất lượng cao, từ đó tự tạo thách thức cho bản thân trong việc rèn kỹ năng nghề nghiệp.
Yêu nghề, yêu cái đẹp, Thảo tự thiết kế và may các sản phẩm cho mình cũng như những người xung quanh. Mục đích của Thảo vừa tiết kiệm một khoản chi phí, vừa để hiểu hơn về kỹ thuật cắt may cũng như tay nghề của mình. Ban đầu, các ý tưởng được vẽ trên giấy nhận được nhiều phản hồi không tốt, phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần. Trong chính những lần sửa ấy, Thảo thấy mình trưởng thành hơn.
Thảo cho rằng, mỗi sinh viên hiện đại cần phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện tay nghề từ sớm. Đặc biệt, với thiết kế thời trang, sinh viên cần nắm chắc kỹ thuật để có thể tự thực hiện quy trình hoàn chỉnh từ lên ý tưởng đến sản xuất ra mẫu thật, sau đó tiếp thị sản phẩm của mình.
Ngọn lửa đam mê tạo nên nhiều cơ hội
Cô gái sôi nổi trong các hoạt động chuyên môn tại trường |
Chính vì những nỗ lực ấy, trong kỳ thi Kỹ năng Nghề quốc gia năm 2020, Thảo vượt qua rất nhiều thí sinh xuất sắc của các tỉnh thành khác, thể hiện những tác phẩm bằng tay nghề vượt trội của mình.
“Khoảnh khắc đứng trên bục nhận giải thưởng tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi sẽ tiếp tục tôi luyện bản thân, để vững vàng đại diện cho trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, cho Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc thi cấp ASEAN và vươn tới cấp thế giới”, Kim Thảo chia sẻ.
Nhận định tính cạnh tranh khốc liệt của nghề thời trang trong thời điểm hiện tại, Thảo vẫn quyết định kiên trì theo nghề một cách bài bản và sẽ hết mình vì nó. Chủ nhân của tấm Huy chương Vàng tâm niệm: “Cạnh tranh không hoàn toàn chỉ thách thức mà còn là cơ hội. Nó tạo ra động lực cho tôi phát triển và vượt qua giới hạn của bản thân”.
Để giữ được ngọn lửa đam mê, cô gái tự đặt cho mình những mục tiêu nhỏ trong quá trình làm việc và phấn đấu dài hơi. Nghĩ đến thành quả sẽ đạt được nếu tiếp tục cố gắng, không bỏ cuộc, Thảo lại thấy phấn chấn hơn bao giờ hết.
Các tác phẩm nổi bật của Kim Thảo trong nhiều cuộc thi khác |
Đoạt Huy chương Vàng vừa là niềm tự hào vừa là động lực để Thảo tiếp tục phấn đấu trên con đường của mình. Với nỗ lực không ngừng của bản thân, sự giúp đỡ của thầy, cô giáo và tạo điều kiện từ phía nhà trường, cô gái đầy nghị lực sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để cống hiến cho ngành nghề mình đã chọn.
Kim Thảo bày tỏ: “Tôi luôn nghĩ vị trí khi mình bắt đầu và sự mong muốn còn khoảng cách rất xa. Hơn nữa, đó không phải là một đường thẳng, vì vậy việc xác định phương hướng và kiên định với nghề là rất quan trọng”.
Từ năm 2020, lao động qua học nghề được hưởng lương cao hơn |