Tái chế rác từ đỉnh Everest
Các tình nguyện viên dọn rác trên đỉnh Everest. Ảnh: AP
Bãi rác cao nhất thế giới
Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới. Theo thống kê hàng năm, riêng tại Nepal đã có hàng trăm người đăng ký chinh phục "nóc nhà thế giới".
Số lượng ngày càng đông các nhà leo núi đổ về chinh phục Everest gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Ước tính số lượng rác được thu gom năm 2017 là hơn 40 tấn tương đương với 3 xe buýt hai tầng. Gần đây nhất, trong một chiến dịch dọn rác kéo dài 45 ngày, bắt đầu từ ngày 14/4, khoảng 11 tấn rác đã được đưa ra khỏi Everest.
Ông Graham Hoyland, tác giả cuốn Last Hours on Everest (Những giờ cuối cùng trên đỉnh Everest) nói: “Leo lên đỉnh Everest giờ không còn là một trải nghiệm hoang dã nữa mà nó giống như thưởng thức McDonald's”.
Băng tan do biến đổi khí hậu càng làm lộ ra những đống rác trước đó vốn bị chôn sâu. Vì vậy, đỉnh Everest còn có thêm tên gọi khác là “bãi rác cao nhất thế giới”.
Ô nhiễm rác thải trên đỉnh Everest sẽ ngày càng nghiêm trọng khi mà việc thương mại hóa hoạt động leo núi Everest đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Có người bỏ ra đến 30.000 USD nhưng lại không hề quan tâm đến dấu chân vô ý thức mà họ để lại phía sau.
Theo thống kê có khoảng 5.200 người đã leo lên đỉnh Everest. Trong số đó có khoảng 300 người đã thiệt mạng, kể từ lần đầu có người chinh phục năm 1921.
Vừa qua, sự kiện 11 người leo núi chết trong mùa leo núi năm nay ở Everest được cho là do chính phủ Nepal đã cấp tới 381 giấy phép leo núi dẫn đến tác nghẽn ở khu vực nút cổ chai dẫn lên đỉnh núi. Có những thi thể không thể mang xuống được mà phải bỏ lại trên núi. Nguồn nước chảy từ độ cao 8.484m từ đỉnh Himalaya bị ô nhiễm nặng do chất thải của con người và rác thải mà con người để lại.
Tái chế rác thải trên đỉnh Everest
Trong nỗ lực giảm thải lượng rác thải trên đỉnh Everest, Nepal đã ra quy định mỗi nhóm leo núi phải đóng tiền ký quỹ 4.000 USD và sẽ được hoàn lại nếu mỗi người đem xuống núi ít nhất 8kg rác thải. Ban quản lý phía Tây Tạng cũng yêu cầu những người leo núi đem 8kg rác thải xuống, nếu không họ sẽ bị phạt 100 USD/kg. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý vi phạm vẫn còn nhiều vấn đề. Ước tính chỉ một nửa trong số này thực hiện cuộc vận động trên. Không ai biết được bao nhiêu rác vẫn còn ngoài kia dưới lớp băng tuyết kia.
Về lâu dài, chúng ta cần phải có biện pháp giảm xả rác và yêu cầu những người gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm dọn dẹp. Bên cạnh đó, các nhóm hoạt động xã hội ở Nepal có những cách độc đáo để tái chế rác từ nóc nhà của thế giới.
Những chiếc cốc tái chế từ rác trên đỉnh Everest được đưa vào sử dụng ở nhiều nhà hàng, khách sạn tại Kathmandu, Nepal. Ảnh: AFP |
Vỏ lon bia, vỏ chai nước, dụng cụ leo núi bị vứt lại, tất cả được mang về trung tâm tái chế rác ở Kathmandu, thủ đô của Nepal. Tại đây, các công nhân sẽ phân loại vât liệu, mỗi loại được tái chế theo một cách khách nhau: Nhôm đưa đến các công ty sản xuất dụng cụ, chai lọ nhựa sẽ được tái sử dụng thành các vật dụng gia đình.
Các sản phẩm tái chế từ rác trên đỉnh Everest hiện đang được sử dụng rất nhiều, không chỉ tại các gia đình mà còn ở các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Nó phù hợp với mục đích kinh doanh mà các khách sạn đang hướng tới, đó là vì một môi trường thân thiện và bền vững.
Theo ông Nabin Bikash Maharjan, Giám đốc điều hành tổ chức tái chế Blue Waste to Value cho biết: “Những loại rác này có thể tái chế được và không nên bị đem chôn. Chúng tôi tận dụng mọi thứ có thể. Chúng tôi nhận được các loại vật liệu thải khác nhau vứt lại trên Everest, nhôm, kính, nhựa, sắt rất nhiều trong số đó có thể tái chế được”.
Theo nhóm thiết kế Moware Designs: “Rác bị coi như đất bẩn, không ai quan tâm đến chúng trong xã hội của chúng tôi. Chính vì vậy, mọi người rất bất ngờ khi biết rằng chiếc cốc này, lọ hoa kia có thể được tạo nên từ rác tái chế”.
Nhiều du khách đang sử dụng dịch vụ ở khách sạn 5 sao tại Kathmandu không biết rằng chiếc cốc xanh trên tay họ là một cái chai đã bị các phượt thủ bỏ lại trên núi Everest.
Rất nhiều các đồ vật từ những chiếc chậu đến đèn sử dụng trong các ngôi nhà ở thủ đô Nepal đều làm từ rác thải trên núi Everest. Đây là một cách để khắc phục thiệt hại của hàng tấn rác thải, bao gồm cả can rỗng, chai đựng khí gas, các dụng cụ leo núi và rất nhiều vật dụng khác, bị vứt bỏ trên ngọn núi khiến nó trở thành đống rác cao nhất thế giới.
Bài liên quan
Cô bé truyền cảm hứng trong cuộc chiến rác thải nhựa
Biến rác thải nhựa thành vườn hoa tulip
Đổi vỏ chai nhựa lấy vé xe buýt: “Luồng gió mới” trong hoạt động xử lý rác thải
Cuộc chiến chống rác thải nhưa tại Philippines: Đổi rác lấy gạo