Tái tạo sức lao động từ phát triển điểm sinh hoạt văn hóa công nhân
Công nhân có nơi để giải trí, đọc sách báo…
Thực tế hiện nay, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp thường ít có cơ hội được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do hạn chế về thời gian và điều kiện kinh tế. Vì vậy, các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân là nơi để người lao động cùng nhau sinh hoạt, giao lưu, giải trí, nâng cao nhận thức, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống… Đây là mô hình sinh hoạt văn hóa cho kết quả tốt, đáp ứng nguyện vọng của công nhân lao động, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong công nhân.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh (bên phải) trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cho đại diện Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Dệt 10/10 |
Thông tin về vấn đề này, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể cho biết, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm luôn coi công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác công đoàn, có ý nghĩa, tác động trực tiếp đến tinh thần và thể chất của công nhân, viên chức, lao động. Do vậy, Liên đoàn Lao động huyện đã vận động chủ doanh nghiệp xây dựng được 6 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tạo sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc, tăng tình đoàn kết, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cho đoàn viên, người lao động.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, năm 2009, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đầu tiên được xây dựng tại Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam; Năm 2011 xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH sản xuất, dịch vụ, thương mại sản phẩm da Ladoda; Tiếp đó là điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm, Công ty TNHH may Phù Đổng, Công ty Cổ phần keo dán Đức Anh và năm 2022 xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á.
Nhằm khai thác hiệu quả điểm sinh hoạt văn hoá công nhân, Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm đã hướng dẫn Công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, hội họp, sinh hoạt, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết xã hội, đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động thông qua việc đọc báo, xem tivi, bảng tin, sinh hoạt văn nghệ, các hoạt động thể thao, nơi sinh hoạt công đoàn cơ sở. Các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn là nơi Ban chấp hành Công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các cuộc đối thoại giữa công nhân lao động với giám đốc doanh nghiệp và các cơ quan chức năng…
Ngoài ra, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống nhân các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thi thợ giỏi nâng cao tay nghề được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức thường niên điển hình như hội thi “Bàn tay vàng ngành may da” của Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại sản phẩm da Ladoda; Ngày hội thể dục thể thao của công ty Cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm; Lễ hội văn hóa Việt - Nhật của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam...
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm thường xuyên đề nghị Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố kết nối với các đơn vị để tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Hát cho công nhân nghe - Nghe công nhân hát”, chiếu phim miễn phí phục vụ công nhân lao động...
Các hoạt động tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã thu hút đông đảo công nhân lao động hưởng ứng tham gia, giúp họ có điều kiện nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, có cơ hội được cập nhật những văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến người lao động để tự bảo vệ mình cũng như doanh nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn.
Đa dạng hóa các hoạt động tại điểm sinh hoạt văn hóa
Thời gian qua, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã phát huy được nhiều ưu điểm tuy nhiên sau một thời gian dài hoạt động, có điểm sinh hoạt cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như: Chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo công nhân lao động, đặc biệt là công nhân nữ trong các hoạt động thể thao, giải trí; Cơ sở vật chất còn rất hạn chế, xuống cấp theo thời gian, thiết bị tập luyện thể dục thể thao chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, công tác quản lý điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ có chuyên môn về quản lý văn hoá, thiếu kinh phí duy trì hoạt động.
Công nhân Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á đọc sách tại Điểm sinh hoạt văn hoá công nhân |
Để các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân phát huy tối đa hiệu quả hoạt động, Liên đoàn lao động huyện Gia Lâm kiến nghị, các cấp Công đoàn cần xây dựng Quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; Thường xuyên nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để thu hút công nhân lao động; Đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí, nhân lực để duy trì lâu dài hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa. Quy chế giúp công nhân lao động tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hoá có nền nếp, đạt hiệu quả cao trong việc nâng cao đời sống tinh thần, góp phần hạn chế, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động, nhất là đối với công nhân lao động trẻ.
Hai là, thành phố tiếp tục có cơ chế mở rộng đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị phục vụ hoạt động tập luyện thể dục thể thao đồng bộ, tăng thêm số lượng máy tính phục vụ nhu cầu truy cập internet của công nhân…; Đồng thời có cơ chế chi hỗ trợ cho cán bộ phụ trách điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.
Ba là, các đơn vị cần đa dạng hóa các hoạt động tại điểm sinh hoạt văn hóa công nhân như: Tổ chức các buổi hội thảo về chăm sóc sức khỏe gia đình, nuôi dạy con trong thời đại công nghệ thông tin, định kỳ tổ chức các giải đấu thể thao như giải bóng đá, giải bóng bàn, tennis, giải game…; Đặc biệt, chú ý tới tính đa dạng và hấp dẫn của phong trào bằng việc phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giao lưu với các đơn vị trên địa bàn, tạo sân chơi thu hút đông đảo các đoàn viên hưởng ứng tham gia.