Tấm gương người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên trung
Đồng chí Lê Thanh Nghị - người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đẩy mạnh học tập tấm gương Bác, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra |
Các đại biểu tỉnh Hải Dương dự lễ dâng hương tưởng niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Thanh Nghị |
Tấm gương mẫu mực, trung với Đảng, hiếu với dân
Ðồng chí Lê Thanh Nghị, tên thật là Nguyễn Khắc Xứng (1911 - 1989), sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sớm được giác ngộ cách mạng qua những tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, năm 1929, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được kết nạp Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
Tháng 5/1930, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hải Phòng, tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Ðảo. Trong lao tù, đồng chí vẫn không ngừng rèn luyện ý chí, phẩm chất người cộng sản.
Năm 1936, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng một số chiến sĩ cách mạng được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại quê nhà Hải Dương. Không quản hiểm nguy, đồng chí lên Hà Nội bí mật liên lạc với tổ chức đảng, tích cực tham gia khôi phục lại hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng dân chủ những năm 1936 - 1939.
Cuối năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị đày lên nhà tù Sơn La cho đến năm 1945 được trả tự do. Ðồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; được Trung ương giao nhiều trọng trách chỉ đạo, phát triển phong trào cách mạng ở các địa phương trong An toàn khu II, gồm Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên, đến chiến khu Trần Hưng Ðạo (còn gọi là chiến khu Ðông Triều), rồi vùng duyên hải Bắc Bộ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Lê Thanh Nghị lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, đến năm 1953-1954, được giao làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên mọi cương vị, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng thành công thế trận chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc ở địa bàn có ý nghĩa hết sức chiến lược.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, dù thực dân Pháp luôn tìm cách đánh phá, bình định ác liệt, song cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các địa phương đồng bằng Bắc Bộ đã làm thất bại âm mưu của kẻ thù, vừa bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, vừa chi viện tích cực cho Trung ương ở liên khu Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đồng chí Lê Thanh Nghị |
Hòa bình lập lại, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10-1956, đồng chí được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, sau đó được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí được Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao kiêm nhiệm nhiều công việc như phụ trách ngành công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước; Phụ trách công tác thi đua - khen thưởng của Trung ương.
Ðồng chí dẫn đoàn sang thăm các nước xã hội chủ nghĩa và vận động bè bạn quốc tế ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, trang thiết bị, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ðầu năm 1980, trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí thường trăn trở tìm hướng đi để vực dậy nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trong thời gian dài. Năm 1982, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Ðảng, đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, sau đó được Quốc hội cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước.
Ngoài những công việc thường xuyên như xem xét, dự thảo và thông qua nội dung các chương trình nghị sự tại các kỳ họp của Hội đồng Nhà nước, đồng chí giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường - Chinh xây dựng một số luật và pháp lệnh về quản lý kinh tế, xã hội. Ðồng chí thường xuyên đến thăm các địa phương, nhất là địa bàn từng là căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó kiến nghị ban hành những chính sách quan tâm thiết thực đời sống đồng bào, như gửi lời tri ân nghĩa tình đồng bào dành cho cách mạng những ngày gian khổ.
Người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Gần 60 năm kiên trung phục vụ sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nêu tấm gương sáng của người đảng viên cộng sản. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, trước bao thời khắc lịch sử, trải bao hy sinh, đồng chí vẫn một lòng sắt son với Ðảng.
Dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Thanh Nghị đều ra sức làm việc cho Ðảng, giữ vững kỷ luật của Ðảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Ðảng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và của Nhân dân lên trên hết. Với tinh thần không ngừng học tập, sáng tạo, đổi mới, đồng chí luôn tìm tòi, học hỏi để trở thành một cán bộ có trình độ, có tầm nhìn chiến lược, vững vàng, kiên định.
Thời kỳ hoạt động ở Hải Phòng, đồng chí đã học từ anh em đồng nghiệp, tự học thêm văn hóa, ngoại ngữ để có thể đọc được tài liệu bằng tiếng nước ngoài. Trong ngục tù đế quốc, đồng chí đã cùng các chiến sĩ cộng sản biến "nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng" tổ chức học văn hóa, ngoại ngữ, lý luận, lịch sử, tiếp cận và tiếp thu giá trị từ các tác phẩm kinh điển Mác - Lê-nin...
Trong vai trò cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng chí nêu tấm gương về phong cách dân chủ, gần dân. Bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí chuẩn bị báo cáo ngắn gọn, nêu các vấn đề cơ bản để Bộ Chính trị cho ý kiến, trên cơ sở ý kiến Bộ Chính trị, tiếp tục đưa ra bàn trong tập thể lãnh đạo, tạo đồng thuận, đoàn kết, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai.
Ðồng chí thường nêu ý kiến trao đổi dân chủ, cởi mở, lắng nghe, lựa chọn từ nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra phương án khả thi nhất. Chính phong cách làm việc đó tạo sự kết nối đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, mang lại nhiều thành quả trong công tác.
Trong công tác cán bộ, đồng chí luôn công tâm, khách quan, trân trọng người có tài, bố trí đúng người đúng việc, giúp cán bộ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Căn cứ vào hiệu quả công việc, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, vào giữ vững kỷ luật, phẩm chất đạo đức cách mạng, vào đoàn kết nội bộ mà đề bạt, cất nhắc cán bộ. Nêu gương trong mọi công việc, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, đồng chí luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí được ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, giữ vững chuẩn mực đạo đức của người cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Trong kháng chiến gian khổ, cũng như trong thời bình, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trung thực, liêm khiết, gắn bó với Nhân dân, với cán bộ.
Với những trọng trách Ðảng, Nhà nước giao, từ lãnh đạo bảo đảm đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế ở miền bắc, cũng như kinh tế quân sự (vũ khí, quân trang, quân dụng, khí tài thông tin liên lạc, vận tải...) phục vụ cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam, là người thay mặt Ðảng, Nhà nước làm công tác kinh tế đối ngoại, đồng chí luôn hoàn thành vẻ vang, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Ðảng và dân tộc.
Tấm gương tiêu biểu của đồng chí là tài sản của Ðảng về tinh thần tận tụy hy sinh vì cách mạng, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về phẩm chất cách mạng cao quý, lối sống giản dị, đức tính đôn hậu và tình thương yêu đồng chí, trọn tình nghĩa thủy chung.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị, là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; Cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Ðảng, phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.