Tăng cường chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang bán hàng trực tuyến
Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay, Hà Nội đang tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai; Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, sẽ có thêm 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên.
Bên cạnh phát triển về số lượng, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được Hà Nội xác định là tăng cường chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Thực hiện chủ trương của Trung ương và thành phố về Chương trình OCOP, trong năm 2021, nửa đầu năm 2022, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng. Trong đó, tập trung phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các các chương trình đào tạo, tập huấn bán hàng trực tuyến (online), tương tác trực tiếp (livestream)...
Kinh doanh online được xem là giải pháp tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP an toàn trong mùa dịch |
Thời gian qua, nhiều chương trình tập huấn bán hàng trên nền tảng mạng xã hội đã được Hà Nội tổ chức, mang lại ý nghĩa thiết thực cho hàng trăm chủ thể. Bà Trịnh Kim Thư, Giám đốc Công ty CP MD Queens cho hay: “Hiện nay, công ty đã thiết lập được các nhóm phổ biến kiến thức bán hàng online, livestream cho các tác nhân trong hệ thống phân phối. Nhờ đó, việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm trà xạ đen 4 sao OCOP trong giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng vẫn đạt kết quả khá tích cực”.
Nắm bắt được điều này, từ chỗ chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống nhưng đến nay, Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao (Hà Nội) đã chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, đặc sản OCOP địa phương thông qua hình thức bán hàng online. Vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, các thành viên hợp tác xã lại tham gia bán hàng trực tuyến trên các group, fanpage. Mỗi lần livestream, hợp tác xã nhận được đơn hàng bưởi đỏ, cây giống bưởi đỏ của hàng trăm khách hàng trên mọi miền tổ quốc.
Có thể thấy, bán hàng qua hình thức livestream đã được không ít hợp tác xã tiếp cận và cho những kết quả khả quan. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bán các sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP bằng hình thức livestream được coi là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.
Phát triển xu hướng mua sắm kết hợp giải trí qua kênh TikTok
Đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng, thời gian qua, các chủ thể OCOP đã có nhiều giải pháp, liên kết với các nền tảng xã hội để tiêu thụ nông sản. Trong đó, TikTok hiện đang là nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới và Việt Nam. Thương mại điện tử (e-commerce) TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP, đồng thời cung cấp trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng.
Theo ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh củaTikTok tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được tích hợp trọn bộ ngay trên nền tảng, TikTok Shop giúp các chủ thể OCOP tối ưu quy trình tiếp cận người dùng. Đồng thời có trải nghiệm thương mại điện tử liền mạch từ khâu tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, giao hàng và thanh toán.
Livestream là hình thức mua, bán hàng được nhiều người quan tâm, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát |
“Với xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment), tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thêm cơ hội để gắn kết với cộng đồng thông qua yếu tố giải trí và khả năng tương tác cao. Tâm lý này sẽ tạo ra cơ hội để các thương hiệu nắm bắt xu hướng, cách tiếp cận ưu tiên. Qua đó đáp ứng được cả nhu cầu chức năng và cảm xúc, tiến tới xây dựng mối quan hệ với khách hàng bền vững hơn”, ông Sameer Singh chia sẻ thêm.
Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Sự hợp tác chính thức giữa đơn vị và TikTok sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP. Theo ông Chí, trong thời gian tới, đôi bên sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về sản xuất video ngắn trên TikTok để quảng bá sản phẩm OCOP cũng như bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop.
Cùng với công tác đào tạo, tập huấn, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ tăng cường phối hợp trong việc xây dựng, triển khai các nội dung truyền thông quảng bá cho Chương trình OCOP. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước thông qua nền tảng mạng xã hội.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |