Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay
UVBCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến |
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng ta luôn giáo dục, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Qua mỗi thời kỳ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trước Đảng và Nhân dân.
Nhìn lại 35 năm đổi mới và phát triển đất nước, Đảng ta đã xây dựng được các thế hệ thanh niên thời kỳ mới “vừa hồng, vừa chuyên”, có đạo đức và nhân cách, tri thức, sức khoẻ và tư duy năng động; Tiếp nối được truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; Có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, tình nguyện vì cộng đồng; Mong muốn được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, môi trường sống an toàn. Dù còn tâm trạng khác nhau song thanh niên vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước, tương lai tươi sáng của dân tộc.
Đảng và Nhân dân tự hào về lớp thanh niên hôm nay. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận thanh niên đạo đức kém, lối sống lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, lười lao động, học tập. Một bộ phận thanh niên thiếu lý tưởng, hoài bão, non kém về bản lĩnh chính trị, dao động về lập trường, ý thức chấp hành pháp luật kém, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động trái pháp luật. Trình độ học vấn, nhất là trong thanh niên nông thôn, thanh niên các dân tộc thiểu số còn thấp. Nhiều thanh niên thiếu kiến thức, kỹ năng trong lao động và hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng thị trường lao động. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, nguy hiểm.
Xác định được tầm quan trọng của công tác thanh niên, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; trong đó có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030. Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy từ Thành phố tới cơ sở đã lãnh đạo toàn diện; Chỉ đạo sát sao các tổ chức đoàn thể, các đơn vị luôn phối hợp có hiệu quả; Thường xuyên quan tâm tạo mọi điều kiện và đặc biệt bằng chính sự nỗ lực phấn đấu, sự chủ động sáng tạo và tinh thần xung kích tình nguyện của công tác Đoàn và phong trào thanh niên các cấp luôn phát triển đúng hướng, có những bước trưởng thành vượt bậc và gặt hái được nhiều thành tích.
Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố luôn đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ Thủ đô, những chủ nhân tương lai của đất nước, những người sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; Đặt kỳ vọng vào lớp đoàn viên, thanh niên mới trong công cuộc xây dựng Thủ đô ngày một giàu mạnh và tươi đẹp. Sự quan tâm của Đảng bộ thành phố được thể hiện qua các định hướng, chính sách đối với thanh niên như: Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ; Tuyển dụng công chức; Các thiết chế vui chơi, học tập đào tạo đối với thanh thiếu niên; Các buổi đối thoại của lãnh đạo thành phố để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên Thủ đô...
Thủ đô Hà Nội có hơn 3 triệu thanh niên, chiếm hơn 30% dân số thành phố, trong đó có hơn 700.000 đoàn viên, gần 660.000 hội viên Hội Liên hiệp thanh niên và gần 450.000 hội viên Hội Sinh viên. Ngoài ra, hàng năm, trên địa bàn thành phố còn có số lượng lớn thanh niên ở các địa phương khác về sinh sống, học tập và lao động. Thanh niên Thủ đô có trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Có lối sống lành mạnh, trong sáng, có lòng nhân ái, nhân văn sâu sắc, ý thức trách nhiệm, tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực rèn luyện, học tập, lập thân, lập nghiệp.
Từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống xã hội, với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình làm kinh tế giỏi, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị và nhiều phong trào thi đua tình nguyện, hoạt động xã hội thiết thực, hiệu quả của thanh niên, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác thanh niên được cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên Thủ đô cống hiến, trưởng thành.
Nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tăng cường, chú trọng đến công tác thanh niên qua nhiều mặt, trong đó tập trung vào các nội dung như: Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên. Công tác giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện để thanh niên học tập, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên; Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển toàn diện. Công tác bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, trình độ trên các lĩnh vực; Đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác thanh niên. Đoàn Thanh niên các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thu hút tập hợp, giáo dục thanh niên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức Đoàn làm tốt công tác thanh niên.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác thanh niên bộc lộ một số hạn chế, đó là: Coi thanh niên thuần túy là khách thể của sự giáo dục, coi nhẹ, đôi khi không chú ý hoặc phủ nhận vai trò chủ thể của thanh niên trong quá trình giáo dục. Do đó, vẫn còn những chủ trương, chính sách, phong trào hay cuộc vận động không thích hợp với thanh niên, có chủ trương được xây dựng mà thiếu những điều tra, nghiên cứu khoa học đối tượng thanh niên một cách sâu sắc, toàn diện. Không ít hoạt động mang tính hình thức, chủ quan, duy ý chí, không thiết thực giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thanh niên; Còn những biểu hiện quan liêu, hành chính trong công tác thanh niên; Có biểu hiện chưa thật hiểu, chưa thật tin thanh niên, một số nơi có biểu hiện gia trưởng, coi nhẹ thanh niên, làm giảm tính chủ động, năng động, sáng tạo của thanh niên; Chưa thực sự chú ý đến định hướng và tạo môi trường để thanh niên tự làm việc cho chính họ.
Mặc dù chúng ta luôn xác định thanh niên và công tác thanh niên có ý nghĩa rất quan trọng song trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, phần về công tác thanh niên chưa được thể hiện và đầu tư thoả đáng. Khả năng xã hội hóa công tác thanh niên còn gặp khó khăn. Nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành về công tác thanh niên chưa đầy đủ, coi công tác thanh niên là việc của Đảng, của Đoàn, do đó chưa tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên.
Trước yêu cầu của quá trình phát triển, hội nhập, đổi với và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, công tác thanh niên đang đứng trước những xu hướng và thách thức mới, trong đó nổi lên một số vấn đề:
Công tác thanh niên mang tính xã hội ngày càng sâu sắc, trong đó vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác thanh niên sẽ ngày càng được xác lập đầy đủ. Công tác thanh niên tiếp tục chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của hội nhập quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực. Nhu cầu chính đáng của thanh niên hôm nay là việc làm, thu nhập và được học tập, rèn luyện để nâng cao trí tuệ của mình nhằm cống hiến được nhiều cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Đây chính là đặc điểm rất quan trọng để phát huy những mặt tốt của thanh niên.
Yêu cầu phát triển của thanh niên ngày càng cao, nhu cầu của thanh niên ngày càng phong phú, trong khi sự đổi mới, chuyển động trong công tác thanh niên chậm. Điều đó đòi hỏi công tác thanh niên phải được đổi mới không ngừng, phải là công tác của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên. Đội ngũ cán bộ, bộ máy làm công tác thanh niên có xu hướng công chức hóa, hành chính hóa. Nhiều cán bộ làm công tác thanh niên là vì mưu sinh, không phải trước hết do say mê và đức hy sinh vì sự phát triển của thế hệ trẻ. Tinh thần xung phong tình nguyện và đức hy sinh vốn là những đức tính tự nhiên của mỗi cán bộ quần chúng, cán bộ đoàn thể dần được thay thế bởi trách nhiệm của một công chức, viên chức Nhà nước. Điều kiện cơ sở vật chất, khoa học công nghệ cho công tác thanh niên bị thu hẹp trong mối tương quan chung so với các mặt công tác khác, đặc biệt là các hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong khi yêu cầu đối với công tác thanh niên ngày càng cao. Cơ chế thị trường có khả năng tiềm tàng làm “chia rẽ”, “cạnh tranh” và “phân hóa” thanh niên. Trong khi công tác thanh niên của Đảng chưa “phủ khắp” tới các đối tượng, vùng miền, thành phần kinh tế.
Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh “Tự hào truyền thống 90 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” |
Để tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong giai đoạn mới đạt được những kết quả mong muốn, trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác thanh niên trong tình hình mới, trong đó tập trung:
Chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII), gắn với tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25 và Chỉ thị 42.
Thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của thanh niên và công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thanh niên; Định kỳ tổ chức, gặp gỡ đối thoại với thanh niên nhằm giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở địa phương, đơn vị là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác hàng năm và là một trong những tiêu chí đánh giá công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy.
Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên và tổ chức Đoàn được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đối với tổ chức Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Các cấp chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác thanh niên, trong đó:
UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến công tác thanh niên, trong đó tập trung rà soát, xây dựng, thực hiện các đề án theo các nội dung chương trình hành động của Thành ủy đề ra.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh niên phục vụ công tác quản lý nhà nước; Thường xuyên bồi dưỡng, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên các cấp. Đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ nguồn lực cho các trung tâm đào tạo, giới thiệu việc làm của thành phố, để giúp thanh niên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn, giảm thiểu số thanh niên thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng hoa, chúc các tân binh hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Lễ giao nhận quân huyện Thanh Trì |
Chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý, phát triển và xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Các ngành, nhất là ngành giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao, y tế... thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua; Phối hợp chăm lo sức khỏe về tinh thần và thể chất để thanh niên phát triển toàn diện.
Có chính sách thu hút tài năng trẻ vào làm việc trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thành phố và tạo điều kiện để tài năng trẻ được công hiến và trưởng thành. Làm tốt công tác sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ Đoàn, Hội và cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, tâm huyết và có ý thức trách nhiệm vào các vị trí cán bộ chủ chốt, nhằm động viên, phát huy tốt năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ trẻ.
Cùng với đó, tổ chức Đoàn cần tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào thanh niên Thủ đô, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thu hút tập hợp, bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên, trong đó tập trung:
Phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội... qua đó nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống và bản lĩnh chính trị; Định hướng cho thanh niên, nhất là sinh viên trước những diễn biến chính trị trong nước và thế giới.
Tích cực tham gia xây dựng, chính quyền trong sạch, vững mạnh gắn với phối hợp làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý với Đảng, chính quyền những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Quyết định số 6525-QĐ/TU và Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội; Hưởng dẫn số 02-HD/TU của Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII”.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố và nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên Thủ đô, đồng thời hướng mạnh các hoạt động của tổ chức Đoàn về cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tư vấn thành lập doanh nghiệp cho thanh niên. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, ngân hàng chính sách tạo điều kiện để thanh niên được vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện, nâng cao đời sống. Chủ động tham mưu. đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền những vấn đề liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên, đến chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
Chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh. Phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn các cấp có đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động Đoàn và có khả năng thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Qua đó làm tốt công tác thu hút, tập hợp thanh niên, phát triển đoàn viên, nhất là phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Chú trọng công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đoàn, Hội để bổ sung cán bộ cho Đảng, chính quyền và các đoàn thể Thành phố.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tăng cường phối hợp với Đoàn thanh niên các cấp trong công tác thanh niên, trong đó:
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có chương trình cụ thể về công tác thanh niên, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với Đoàn, Hội; Phân công cán bộ làm công tác thanh niên; Vận động đoàn viên, hội viên thuộc đoàn thể mình tham gia tập hợp, giáo dục thanh thiếu nhi; Tham gia phản biện xã hội và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên.
Phối hợp đẩy mạnh và thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”...
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là yêu cầu khách quan của tình hình thanh niên và yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước, mà còn là yêu cầu chủ quan tự thân của Đảng với vai trò là lực lượng lãnh đạo xã hội; Góp phần quan trọng bảo đảm phát huy tốt nhất mọi nguồn lực và trí tuệ cho việc bồi dưỡng, đào tạo, hình thành thế hệ thanh niên cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên” của Đảng, phục vụ tốt nhất sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.