Tăng cường tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân
Tích cực tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có tới 8 triệu trẻ sơ sinh mắc dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng tránh được những hậu quả nặng nề của dị tật đối với trẻ bằng các biện pháp sàng lọc sơ sinh ngay trong vòng 48 giờ đầu khi trẻ được sinh ra.
Để giảm số trẻ em bị ảnh hưởng bởi các bệnh tật bẩm sinh, giảm nhẹ gánh nặng của gia đình, xã hội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Trong đó, lấy máu gót chân xét nghiệm cho trẻ sơ sinh là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh.
Học viên của lớp tập huấn trực tiếp thực hành lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho trẻ |
Thực hiện Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh của Bộ Y tế, Quyết định số 3370/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đề án "Mở rộng Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030", các quận, huyện ở Hà Nội đã tích cực tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh.
Nhằm phát hiện sớm các bệnh bẩm sinh ở trẻ, trong những vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức tập huấn cho 25 cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh và trạm y tế 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh năm 2022; Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ tổ chức tập huấn cho 39 học viên, gồm: 32 nữ hộ sinh tại 32 Trạm Y tế, nữ hộ sinh tại khoa sản Bệnh viện huyện, Trung tâm Y tế huyện
Tại các buổi tập huấn, BS Trần Diệu Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cung cấp các kiến thức, kỹ năng tư vấn và thực hành với các trường hợp tham gia lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh và 5 loại bệnh thực hiện lấy mẫu máu gót chân triển khai trong giai đoạn tiếp theo (Suy giáp trạng bẩm sinh, Thiếu men G6PD, Tăng sản thượng thận bẩm sinh, Bệnh rối loạn chuyển hóa đường Galactose, Bệnh rối loạn chuyển hóa phenylketone niệu-PKU); cũng như các quy trình kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, các nguyên tắc lấy mẫu máu, bảo quản và gửi mẫu máu sàng lọc sơ sinh.
Thông qua hoạt động tập huấn, cán bộ y tế ở tuyến cơ sở được nâng cao kỹ năng tư vấn cho người dân về lợi ích của việc lấy máu gót chân trẻ sơ sinh, thực hiện đúng và đủ các bước theo quy trình kỹ thuật thực hành lấy máu gót chân, từ đó biết lấy các mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh nguy hiểm
Theo các chuyên gia sản khoa khi em bé chào đời, không thể đưa ra kết luận em bé hoàn toàn khỏe mạnh ngay cả khi mẹ của bé trong thời kỳ mang thai đã được quản lý, sàng lọc thai kỳ đầy đủ. Nguy cơ em bé sinh ra mắc bệnh di truyền vẫn có thể xảy ra ước tính từ 1-2 %, đặc biệt là các bệnh do rối loạn chuyển hóa.
Tập huấn Lấy máu gót chân điều trị bệnh lý di truyền cho trẻ |
Những bệnh lý này, nếu không được phát hiện điều trị sớm sẽ gây ra tình trạng chậm phát triển tâm thần, vận động ở trẻ, thậm chí có nhiều trường hợp gây tử vong.
Việc phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp các bệnh lý này sẽ giúp trẻ có được những chăm sóc y tế kịp thời, trẻ có thể phát triển bình thường và có cuộc sống khỏe mạnh.
Trong bối cảnh, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" và để phát huy được lợi thế của thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước thì điều kiện quan trọng và then chốt là cần nâng cao được chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội sẽ chú trọng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động lồng ghép về các chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng truyền thông và chuyển giao kỹ thuật lấy máu gót chân của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở để tiến hành sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở địa phương…
Qua công tác tuyên truyền, việc lấy máu gót chân đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, đặc biệt là đối tượng chủ yếu là phụ nữ mang thai, chuẩn bị mang thai và sản phụ vừa mới sinh con trong 24 giờ đầu hiểu được hiệu quả mang lại của việc làm này.
Sàng lọc phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm các dị tật, dị dạng thai nhi thông qua sàng lọc trước sinh cùng với phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh chuyển hóa, di truyền thông qua sàng lọc sơ sinh giúp giảm tỷ lệ tàn tật, giảm tỷ lệ trẻ thiểu năng trí tuệ là điều vô cùng cần thiết.
Do đó, việc sàng lọc trước sinh và sau sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đến thế hệ làm chủ tương lai của đất nước để trẻ được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, thông minh, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.