Tăng cường xử lý nghiêm xe khách trá hình dịp Tết
Nhiều chiêu trò để “lách luật”
Hà Nội đã bắt đầu bước vào đợt cao điểm Tết và Lễ hội Xuân năm 2024. Nhu cầu đi lại liên tỉnh của người dân dự kiến có sự gia tăng đột biến như thông lệ. Cùng với đó, tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình cũng diễn biến phức tạp, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe.
Theo ghi nhận của phóng viên, các xe hợp đồng trá hình phủ kín các bến xe, "vươn" tới các ngóc ngách trong nội đô. Khung giờ hoạt động liên tục từ 5 giờ 30 sáng cho đến 24 giờ đêm, trung bình cứ 2 tiếng sẽ có 1 chuyến.
Vào giờ cao điểm, dọc tuyến phố của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa… các xe dạng limousine phi như “tên lửa”. Nhiều nhà xe tăng cường 2-3 xe đi vào 1 khung giờ cao điểm nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Các tuyến xe chủ yếu di chuyển về các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên…
Dọc tuyến phố Tôn Thất Thuyết gần bến xe Mỹ Đình, mỗi giờ đi làm cũng như tan tầm, người tham gia giao thông đều cảm thấy khốn khổ. Không chỉ lấn làn, các xe còn vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Các xe hợp đồng trá hình phủ kín các bến xe, vươn tới các ngóc ngách trong nội đô |
Chia sẻ về vấn đề này, các tài xế xe khách truyền thống cho biết: Xe khách truyền thống hiện không thể cạnh tranh được loại hình xe đưa đón này. Mặc dù giá vé cao hơn từ 50.000 đồng - 100.000 đồng nhưng người dân vẫn lựa chọn vì thuận tiện.
Thực tế, không ít xe hợp đồng hoạt động "trá hình", gom khách lẻ đi một chiều tương tự như hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định tại Hà Nội trong thời gian qua. Điều này gây mất trật tự an toàn giao thông và không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.
Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, xe hợp đồng chỉ cần có hợp đồng, danh sách hành khách là có thể hoạt động trên đường.
Khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhà xe vẫn có đầy đủ giấy tờ. Dù lực lượng chức năng biết đó có thể là hợp đồng được lập sau khi xe chạy, hợp đồng gom khách nhưng không thể xử lý được.
Về hành trình, xe khách tuyến cố định phải tuân thủ theo lộ trình bến xe đi và bến xe đến, còn xe hợp đồng chỉ quy định điểm đầu, điểm cuối là tuyến phố, ngõ trong đô thị… nên các nhà xe lách luật bằng cách thay đổi hành trình. Vì vậy, cơ quan chức năng hầu như không thể kiểm soát.
Trong khi đó, theo tổ chức giao thông của thành phố, xe du lịch, xe hợp đồng không bị hạn chế đi vào phố nên thường lợi dụng để dừng đỗ, đón trả khách.
Cần có biện pháp xử lý triệt để
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết: Hà Nội đang đang chịu áp lực rất lớn từ những vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp của loại hình vận chuyển hành khách liên tỉnh bằng ô tô. Trước đây chỉ có xe dù, xe chạy sai hành trình, xe quá cảnh cố tình dừng đỗ đón trả khách trên địa bàn thành phố. Nay chúng ta phải đương đầu cả với xe khách trá hình, xe biển trắng kinh doanh vận tải khách (xe tiện chuyến, xe ghép), xe du lịch hoạt động như xe khách...
Xe "đội lốt" hợp đồng nhưng hoạt động như xe khách tuyến cố định đã luồn sâu vào nội đô, thành lập 70 - 80 văn phòng, chi nhánh để đón khách, nhận hàng; dừng đỗ tùy tiện bất cứ đâu, gây mất trật tự, an toàn giao thông, rối loạn thị trường vận tải, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Lực lượng chức năng kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm |
Chia sẻ về nguyên nhân do đâu mà xe khách trá hình diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết: Về chủ quan, trước hết là do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng còn có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa thường xuyên. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm bến cóc, văn phòng đón trả khách... của chính quyền địa phương còn chưa triệt để. Thành phố chưa xây dựng quy chế trách nhiệm đối với các đơn vị, địa phương để tồn tại phát sinh, tái diễn vi phạm.
Các bến xe chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chưa ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu cơ chế khuyến khích, thu hút hành khách cũng như doanh nghiệp vận tải; chưa tổ chức tốt công tác trung chuyển hành khách đến bến...
Nguyên nhân khách quan cũng có không ít. Đơn cử như hạ tầng giao thông, bến xe chưa được đầu tư đồng bộ, tổ chức vận hành bến xe chưa khoa học; hệ thống đường sắt đô thị chưa phát triển nên việc di chuyển từ các khu dân cư đến bến xe chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống xe buýt, taxi, xe ôm, xe cá nhân…
Để giải quyết tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long, thành phố cần thành lập các Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động đón, trả khách do lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố làm Tổ trưởng. Ban An toàn giao thông chủ trì, xây dựng quy chế hoạt động và có sự phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã. Công bố số điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử cho người dân biết để tiếp nhận thông tin phản ánh về hiện tượng “xe dù, bến cóc”, kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định.
Sở kiến nghị Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên trách phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải tuần tra, xử lý vi phạm. Trước mắt, tập trung giải quyết triệt để vi phạm xung quanh khu vực các bến xe khách; giải tỏa những tụ điểm xe dù, bến cóc, lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông; sử dụng văn phòng đại diện làm nơi tập kết, xếp, dỡ hàng hóa trái quy định…
Đặc biệt, Cảnh sát kinh tế cần vào cuộc kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm xã hội… theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của cả Sở Tài chính, Cục Thuế và chính quyền các địa phương. Như vậy mới có thể xử lý triệt để vấn nạn xe khách trá hình.