Tạo cơ chế hút doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hướng trọng tâm của ngành nông nghiệp Thủ đô chính là hỗ trợ các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; Thúc đẩy liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ các loại hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, nâng tầm quy mô.
Là một trong số những đơn vị xây dựng thành công thương hiệu sữa Ba Vì với đặc trưng riêng, thời gian qua, sản phẩm của Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì luôn được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Mai, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì cho biết: Cùng với kiểm soát chăn nuôi theo quy trình an toàn, bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp còn chứng minh đầy đủ hồ sơ sản phẩm và xuất xứ hàng hóa.
“Hiện tại, công ty chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với quy trình quản lý chất lượng tiên tiến để chế biến khoảng 1 tấn sữa tươi/ngày, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu”, bà Mai nhấn mạnh.
Sản phẩm của Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì luôn được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ |
Cũng giống như Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì, Công ty CP Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) cũng được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến là một trong những chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu biểu của Hà Nội. Công ty đã có mối gắn kết chặt chẽ với nhiều trang trại, cung ứng cho thị trường sản phẩm trứng gà bảo đảm chất lượng, an thực phẩm.
Giám đốc Công ty CP Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho hay: Từ việc liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh ở Chương Mỹ (quy mô hơn 120.000 con gà đẻ và gà thương phẩm), công ty đã chủ động được nguồn hàng trong mọi thời điểm, tình huống. Hiện, mỗi tháng Tiên Viên cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu quả trứng, hơn 2 tấn thịt gà thông qua gần 100 đối tác tiêu thụ sản phẩm là các DN, siêu thị, nhà hàng.
Trong khi đó, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) đã khẳng định được uy tín nhờ đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn. Hiện, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả, với 100% sản phẩm đều được dán mã QR code.
Tăng cường liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, gồm: 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 46 vùng chăn nuôi lợn, 60 vùng chăn nuôi gia cầm....
Để bắt kịp và thích ứng với những chuyển động cũng như xu thế phát triển của thị trường toàn cầu hóa, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, yếu tố tiên quyết là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Xác định rõ hướng đi này, Hà Nội tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp dài hạn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hiện nay, cùng với việc đồng bộ hóa các chính sách tích tụ ruộng đất, phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, Hà Nội tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương thúc đẩy các hình thức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đổi mới giải pháp hỗ trợ các mô hình hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị thông qua các hoạt động: Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, phát triển thương mại điện tử…
Nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 2,5% - 3%, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh tập trung và đặc sản vùng miền. Song song với đó, thành phố vẫn tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực cũng như thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm.
Mặt khác, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương thúc đẩy các hình thức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu.
Với những định hướng, mục tiêu đã đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ đề xuất với thành phố các chính sách, giải pháp tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, với vai trò là đầu mối, Sở tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, quảng bá và tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền.
Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |