Tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón học sinh trở lại trường
Sau thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, ngày 8/11 vừa qua, Ba Vì là huyện duy nhất trong số 30 quận huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã đón học sinh khối 9 trở lại trường học. Để chuẩn bị cho các em học sinh quay trở lại trường, các thầy cô giáo của các trường, nhất là những vùng đồng bào thiểu số, miền núi của huyện Ba Vì đã xây dựng phương án theo tình hình dịch bệnh cụ thể từng khu vực.
Thầy Đinh Hồng Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Nhất, thuộc xã Ba Vì - một trong số những trường học thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho biết: Khi nhận được văn bản chỉ đạo là huyện Ba Vì sẽ là huyện duy nhất của thành phố Hà Nội được phép cho học sinh khối 9 học trở lại trường, tâm thế của các thầy cô và các em học sinh rất phấn khởi.
Để việc đón học sinh tới trường tốt và đảm bảo được an toàn phòng chống dịch, trường đã chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Phun khử khuẩn, sát khuẩn bàn ghế, đồ dùng học tập, chăng dây để phân luồng học sinh, kẻ sơn với khoảng cách giữa các vạch 2m cho học sinh xếp hàng đo thân nhiệt.
Trước khi học sinh đi học trở lại, các thầy cô đã phổ biến kĩ cho các em việc những quy định cũng như đảm bảo an toàn cho bản thân. Thực hiện tốt quy tắc 1 cung đường 2 điểm đến.
Huyện Ba Vì đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón học sinh trở lại trường |
Nhà trường cũng yêu cầu tất cả các học sinh khi đến trường phải đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách, đo nhiệt độ, sát khuẩn trước khi vào lớp và sử dụng bình nước cá nhân. Đối với những trường hợp có biểu hiện ho, sốt... trường sẽ yêu cầu tạm nghỉ ở nhà để theo dõi và bố trí phòng cách ly để kịp thời cách ly các trường hợp nghi nhiễm.
Ngoài ra, các thầy cô cũng xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với tình hình hiện tại, đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.
Để đón học sinh trở lại trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cũng như các nhà trường đã tích cực chuẩn bị chu đáo về nhân lực và cơ sở vật chất, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch.
Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, các trường đã được hướng dẫn thực hiện đầy đủ 16 tiêu chí về đảm bảo phòng, chống dịch trong nhà trường theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ủy ban Nhân dân huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì đã lập các đoàn kiểm tra, thực hiện rà soát các yêu cầu này.
Để các trường có thể chủ động trong các tình huống diễn biến dịch bệnh, trước đó huyện Ba Vì đã tổ chức diễn tập tình huống đón học sinh tới trường cho lãnh đạo các xã, thị trấn, ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên của các nhà trường gồm các nội dung: Công tác chuẩn bị trước khi học sinh đến trường; Đón và hướng dẫn học sinh khi đến cổng trường, xếp xe; Hướng dẫn học sinh vào lớp học theo phân luồng, bảo đảm giãn cách; Đón học sinh tại cửa phòng học, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Quản lý và theo dõi sức khỏe học sinh trong giờ học; Xử lý các tình huống khi học sinh có dấu hiệu ho, sốt, khó thở…
Tiếp tục chăm lo tới trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Do đó, công tác giáo dục dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì đã được nâng cao đáng kể, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Những năm qua, huyện Ba Vì đã tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Vượt qua những khó khăn xa xôi về địa lý, trình độ phát triển chưa đồng đều giáo dục đào tạo tại vùng dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã đạt được những tín hiệu rất tích cực. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, huyện Ba Vì có 113 trường học, trong đó bậc mầm non có 43 trường; Tiểu học 35 trường; Phổ thông cơ sở có 35 trường... Tổng số có 1.997 nhóm lớp với hơn 64.300 học sinh.
Với giáo dục mầm non, 100% nhà trường tổ chức ăn bán trú cho trẻ; Tỷ lệ tham gia uống sữa học đường đạt 98%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân đều giảm, nhà trẻ còn 2,5%, mẫu giáo còn 3,4%.
Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Dân tộc thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ có Ba Vì mà những địa phương khác nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống luôn nhận được sự động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần.
Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết: Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng và mỗi gia đình. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện hiệu quả các chính sách, vận động xã hội, góp phần giúp trẻ em được tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc; Bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số... những năm qua, thành phố phát động và kêu gọi mọi người dân Thủ đô nhiệt liệt hưởng ứng chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” và nhiều chương trình khác nhằm đưa vùng đồng bào dân tộc Thủ đô tiến kịp những khu vực thị thành phát triển.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt của toàn xã hội, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì luôn được các cấp, các ngành đoàn thể, các bậc phụ huynh quan tâm. Đó cũng là những mục tiêu quan quan trọng đưa những vùng sâu, vùng xa như huyện Ba Vì tiến kịp sự phát triển của thành thị hôm nay.