Tạo vùng kinh tế sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ổn định
Huyện Thanh Oai có tổng diện tích đất tự nhiên là 12.44 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 8.356 ha.Trên địa bàn huyện hiện có 46/51 làng nghề truyền thống đã được công nhận đang duy trì hoạt động và phát triển tập trung. Huyện có 57 sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng của huyện đã được đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 52 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao.
Kinh tế chủ yếu của huyện là nông nghiệp và một số ngành nghề thủ công truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm, với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 934 tỷ đồng, đạt 50,1 % kế hoạch (tăng 1,1% so với năm 2021). Trong đó, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt ước đạt 386,7 tỷ đồng; Giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản ước đạt 498 tỷ đồng.
Huyện Thanh Oai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung |
Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm vùng sản xuất lúa diện tích 6.453 ha; Vùng trồng cây ăn quả 300 ha; Vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha; Vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ.
Cùng với đó, huyện Thanh Oai cũng triển khai có hiệu quả một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Trồng rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao 11,7 ha; Trồng hoa Lan nhân cấy mô 4.500 m2; Mô hình dưa lưới và táo VietGap 5.300m2.
Huyện cũng tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Chuỗi thịt lợn A-Z của hợp tác xã Hoàng Long; Chuỗi gạo thơm Bối Khê; Chuỗi trứng vịt Liên Châu.
Đánh giá về các mô hình sản xuất theo chuỗi của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái thì việc xây dựng các mô hình theo chuỗi là bước đi bền vững của huyện.
Hợp tác xã Hoàng Long đã xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống tới giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao |
Các mô hình sản xuất theo chuỗi không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về quy hoạch vùng, quy mô, ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, hình thành nhiều mô hình kinh tế phụ trợ hỗ trợ người dân địa phương.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, đến nay toàn huyện có gần 30 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín. Các mô hình đều bảo đảm chất lượng, bước đầu đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu riêng, tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào các mô hình chưa lớn, chưa sâu.
Do đó, thời gian tới, huyện sẽ đặc biệt hỗ trợ về khoa học - công nghệ, hạ tầng giao thông, qua đó hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm liền kề nhằm tạo vùng kinh tế sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ổn định.
Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |