Tập đoàn Lộc Trời: Ngành thuế tiếp tục "sờ gáy", nợ tăng vọt, dòng tiền âm lớn
Tập đoàn Lộc Trời nợ tăng cao, dòng tiền kinh doanh âm gần 1.300 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời tăng hơn 130% |
Nhiều lần vi phạm pháp luật về thuế
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã CK: LTG) vừa công bố thông tin, doanh nghiệp này đã nhận được quyết định của Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Theo đó, qua thanh tra, Tổng cục Thuế phát hiện Tập đoàn Lộc Trời đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và khai sai không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp (vi phạm nhiều lần).
Với hành vi trên, Tập đoàn Lộc Trời bị phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng, trong đó phạt khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là 920,5 tỷ đồng, còn lại 99,5 triệu là mức phạt cho hành vi khai sai không dẫn đến số thuế phải nộp.
Đồng thời, Tập đoàn Lộc Trời còn buộc phải nộp đủ số tiền thuế truy thu do kê khai sai là 4,6 tỷ đồng, bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm 2021 - 2022 hơn 3,9 tỷ đồng; Thuế giá trị gia tăng là 666,5 triệu đồng và gần 30 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân năm 2022.
Tập đoàn Lộc Trời được biết đến là nhà chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đây cũng là đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam |
Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời còn phải đóng tiền chậm nộp tiền thuế 434,5 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng, công ty phải nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu Tập đoàn Lộc Trời bị xử lý vi phạm về thuế. Trước đó, vào cuối năm 2018, doanh nghiệp này bị phạt và truy thu tới hơn 51 tỷ đồng sau kỳ thanh tra thuế giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017.
Tiếp đó, cuối tháng 8/2019, Tổng Cục thuế đã ban hành quyết định xử lý vi phạm về thuế năm 2018 đối với Tập đoàn Lộc Trời tổng số tiền truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp thuế và giảm khấu trừ gần 12 tỷ đồng.
Những chỉ số tài chính cần lưu tâm
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được thành lập năm 2004, doanh nghiệp được biết đến là nhà chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đây cũng là đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam.
Hiện nay, ông Huỳnh Văn Thòn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Duy Thuận đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời.
Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 5.788 tỷ đồng, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn bán hàng gần 4.991 tỷ đồng, nên lãi gộp doanh nghiệp thu về xấp xỉ 797 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm 2022.
Trong kỳ, nhờ doanh thu tài chính tăng 387%, lên 112 tỷ đồng và phát sinh gần 330 tỷ đồng phần lợi nhuận từ công ty liên kết nên Tập đoàn Lộc Trời báo lãi sau thuế 344 tỷ đồng, tăng thêm 146% so với bán niên năm 2022.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời |
Theo giải trình của Tập đoàn Lộc Trời, nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh là do việc ghi nhận ban đầu của giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại công ty liên kết. Tuy nhiên, việc ghi nhận này đang được xác định tạm thời dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua.
Nếu xét theo báo cáo tài chính riêng, thì 6 tháng năm nay công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 32,9 tỷ đồng, giảm 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, chiếu theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, tính đến ngày 30/6/2023, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời âm tới 3.300 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 1.816 tỷ đồng; Dòng tiền đầu tư cũng âm 164 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu.
Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.
Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.
Cũng theo các chuyên gia, trong báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất.
Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.
Mặt khác, tính đến cuối tháng 6/2023, nợ phải trả của Tập đoàn Lộc Trời ở mức 8.794 tỷ đồng, tăng thêm 3.216 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn “phình to” từ 3.747 tỷ đồng lên mức 6.869 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Lộc Trời ở mức 3.392 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp hơn 2,5 lần vốn sở hữu.
Theo đánh giá, việc nợ phải trả chiếm phần lớn nghĩa là nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.