Tập đoàn năng lượng Na Uy quan tâm đến điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Tập đoàn điện gió hàng đầu Đan Mạch muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam Quy hoạch điện VIII: Khuyến khích điện gió, điện mặt trời tự cung cấp cho phụ tải |
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An vừa có buổi tiếp Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và Tập đoàn Equinor (Na Uy), nhằm trao đổi về các vấn đề liên quan đến điện gió ngoài khơi.
Tại buổi gặp, bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Na Uy và Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...
Được biết, Na Uy có đường bờ biển dài, nguồn gió ngoài khơi dồi dào và ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời về hàng hải và các hoạt động ngoài khơi, Na Uy đang ở một vị trí có một không hai để đóng góp vào thị trường gió ngoài khơi đang ngày càng phát triển.
Các công ty và cụm công nghiệp của Na Uy đang tận dụng những kiến thức chuyên môn ngoài khơi đặc biệt là những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức xây dựng các công trình trên biển của mình, để khẳng định vị thế của mình trên thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi |
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Equinor cho biết, công ty vừa chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Điều này thể hiện cam kết lâu dài của Chính phủ Na Uy trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và tại Hội nghị COP 26.
Tập đoàn Equinor là 1 công ty năng lượng lớn của Na Uy (sở hữu của Nhà nước là 67%), có mặt tại trên 30 quốc gia tham gia phát triển các dự án dầu khí, năng lượng gió, mặt trời.
Hiện nay, Tập đoàn Equinor đã hợp tác với Bộ Công thương về nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại địa phương của Việt Nam. Nghiên cứu này đã được đề xuất từ tháng 11/2020 và triển khai, có kết quả và đã được Đại sứ quán trao lại báo cáo nghiên cứu cho Bộ Công thương.
Ngoài ra, Equinor và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc đánh giá, xác định tính khả thi để hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày 25/3/2021.
Trong năm 2021, PVN - Equinor đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và có văn bản đề xuất vị trí khảo sát điện gió ngoài khơi đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng…
Đại diện Tập đoàn Equinor cho biết, công ty đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2019. Vì vậy, tập đoàn sẵn sàng chuyển giao kiến thức, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách cũng như phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực của các công ty năng lượng trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước...