Tập đoàn Tiến Bộ liên tục bị xử lý vi phạm chứng khoán
Tập đoàn Tiến Bộ liên tục vi phạm quy định của Nghị định Chính phủ Tập đoàn Tiến Bộ nợ ngắn hạn vượt tài sản, đe dọa “sức khỏe” tài chính |
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (mã CK: TTB), địa chỉ: Ngõ 1 đường Bắc Kạn, tổ 2, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Tập đoàn Tiến Bộ bị phạt tiền 70 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Tập đoàn Tiến Bộ công bố thông tin không đúng thời hạn báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được cho đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 193,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng số 155/2021/CV-TTB ngày 5/6/2021; Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã được soát xét; Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành số 291/2020/CV-TTB ngày 1/12/2020.
Dự án khu đô thị TBCO Riverside Thái Nguyên của Tập đoàn Tiến Bộ (Ảnh: Internet) |
Trước đó, ngày 5/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã quyết định nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với Tập đoàn Tiến Bộ do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP; Điểm 1, khoản 1, Điều 9 và điểm a, khoản 4, Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC.
Cuối tháng 9/2021, HOSE cũng đã có văn bản nhắc nhở Tập đoàn Tiến Bộ do chậm công bố thông tin giải trình kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019.
Trước đó, ngày 21/8/2019, HOSE đã nhận được báo cáo công bố thông tin về báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Tập đoàn Tiến Bộ. Ngày 27/9/2021, HOSE nhận được công văn của công ty giải trình kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019.
Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 (nay là điểm a, khoản 4, Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020) của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Khi công bố thông tin các báo cáo tài chính nêu tại khoản 1, 2, 3 của Điều này, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ công bố thay đổi từ 10% trở lên so với báo cáo cùng kỳ năm trước...”, Tập đoàn Tiến Bộ đã chậm công bố thông tin giải trình kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019.
Vì vậy, HOSE nhắc nhở Tập đoàn Tiến Bộ về việc công bố thông tin và đề nghị công ty thực hiện đúng nghĩa vụ về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Trong văn bản giải trình gửi HOSE ngày 3/11, Tập đoàn Tiến Bộ cam kết sẽ nâng cao việc hoàn thiện và cập nhật đầy đủ các quy định về công bố thông tin tránh những vi phạm trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và các nhà đầu tư.
Ông Phùng Văn Bộ - Chủ tịch Tập đoàn Tiến Bộ (Ảnh: tienbo.vn) |
Hồi tháng 8/2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt tổng cộng 255 triệu đồng đối với Tập đoàn Tiến Bộ với hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Cụ thể, Tập đoàn Tiến Bộ bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật. Công ty có tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, Tập đoàn Tiến Bộ cũng bị phạt tiền 85 triệu đồng do báo cáo có nội dung không chính xác. Công ty đã thực hiện giao dịch với bên liên quan là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đất Vượng (người có liên quan với Tổng Giám đốc công ty). Tuy nhiên, công ty không trình bày trong báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2017 về giao dịch này.
Bên cạnh đó, công ty bị phạt thêm 85 triệu đồng do không báo cáo theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu Tập đoàn Tiến Bộ thực hiện kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với 3 đợt tăng vốn trong năm 2016 từ 73,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm xử phạt, công ty chưa thực hiện báo cáo về tình hình sử dụng vốn từ 3 đợt tăng vốn được kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2021, Tập đoàn Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 662,2 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty lại giảm 34% so với năm ngoái, lãi vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng.
Kinh doanh sụt giảm, Tập đoàn Tiến Bộ cũng đang gặp áp lực về dòng tiền. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 9 tháng năm nay, dòng tiền kinh doanh của công ty âm 73,3 tỷ đồng; Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 17,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Tập đoàn Tiến Bộ là 1.442 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm tới 622 tỷ đồng, hàng tồn kho 127,5 tỷ đồng.
Cũng tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Tiến Bộ ở mức 894,1 tỷ đồng, tăng so với mức 845,4 tỷ đồng hồi đầu năm, toàn bộ là nợ ngắn hạn.
Đáng nói, tài sản ngắn hạn của Tập đoàn Tiến Bộ cũng chỉ ở mức 759 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nợ ngắn hạn. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu cũng chỉ 548,7 tỷ đồng nên khả năng thanh toán của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng, tình trạng mất cân đối tài chính đã diễn ra nhiều năm nay.
Với một doanh nghiệp, nếu tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn điều này chứng tỏ doanh nghiệp không giữ vững quan hệ cân đối giữa tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn vì xuất hiện dấu hiệu doanh nghiệp đã sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn vào tài sản dài hạn.
Mặc dù nợ ngắn hạn có khi do chiếm dụng hợp pháp hoặc có mức lãi thấp hơn lãi nợ dài hạn, tuy nhiên chu kỳ luân chuyển tài sản khác với chu kỳ thanh toán cho nên dễ dẫn đến những vi phạm nguyên tắc tín dụng và có thể đưa đến một hệ quả tài chính xấu hơn.
Trong doanh nghiệp, để đảm bảo an toàn trong thanh toán nợ ngắn hạn thì hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) phải lớn hơn 1 hoặc tối thiểu phải bằng 1.
Nếu hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn nhỏ hơn 1 chứng tỏ doanh nghiệp đang trong tình trạng mạo hiểm về tài chính vì mất cân bằng tài chính, nghĩa là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và các khoản nợ đến hạn phải trả.
Được biết, hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Tiến Bộ là ông Phùng Văn Bộ. Trong khi đó, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phùng Văn Thái.