Tết ấm áp đến từ những điều giản dị nhất…
Ý nghĩa của “Mùng 3 Tết thầy” Vì sao lại gọi là “Mùng 2 Tết Mẹ”? Những điều nên làm trong ngày 30 Tết |
Những ngày cuối năm, tranh thủ cuối tuần, Long Hải (25 tuổi, du học sinh tại Hàn Quốc) trò chuyện với mẹ qua FaceTime và không quên khoe món chả nem được mẹ hướng dẫn từng bước từ xa đã hoàn thành dù có chút chật vật vì trước nay chưa từng vào bếp nấu các món đòi hỏi sự tỉ mỉ như vậy.
Hải chia sẻ, bình thường rất ít khi để ý đến chuyện bếp núc vì về đến nhà đã đầy món ăn mẹ nấu sẵn. Biết chắc chắn sẽ không thể về Việt Nam đón Tết năm nay nên Hải đã nhờ mẹ hướng dẫn cách nấu một vài món để gần Tết, anh có thể tự làm cho có hương vị quê nhà.
Bắt tay vào các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu làm các món ăn, lần đầu tiên chàng du học sinh Việt cảm nhận rõ nét nhất sự chăm chút của mẹ trong mỗi món ăn ngày Tết. Giấu sự xúc động và nỗi nhớ nhà trong lòng, chàng trai trẻ hy vọng đến khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, Hải sẽ về nhà trổ tài nấu nướng cho mẹ xem.
Long Hải sẽ cố gắng học nấu ăn, tham gia thiện nguyện và làm video chúc Tết vui nhộn gửi về cho ba mẹ và em gái |
Không chỉ học nấu ăn, Hải tiết lộ đang làm video chúc Tết vui nhộn dành cho ba mẹ và em gái. Không thể đón giao thừa tại Việt Nam nhưng Hải tin rằng với những món quà đầy tâm tư tình cảm, cả gia đình sẽ vẫn đón năm mới vui vẻ.
"Mình sẽ tham gia vài hoạt động thiện nguyện. Ở đây có cộng đồng người Việt. Mọi người đã làm xong bánh chưng và hôm nay sẽ đem tặng cho người khó khăn. Dù ở nơi nào, mình đều có niềm tin rằng mỗi việc tốt trao đi dù chỉ là những điều đơn giản cũng mang đến sự ấm áp trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc", Long Hải nói.
Giống như Long Hải, nhiều du học sinh Việt Nam tại nước ngoài cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho cái Tết khác biệt. Trần Minh Hồng (25 tuổi, du học sinh tại Nga) cho biết, thông thường năm nào cô gái trẻ cũng tiết kiệm, dồn ngày nghỉ phép để thu xếp bay về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, năm ngoái và năm nay, do dịch bệnh phức tạp nê kế hoạch của Hồng phải thay đổi.
Minh Hồng sử dụng số tiền dự định để về quê gửi nhờ mẹ sắm sửa cho cả nhà và mua quà Tết tặng những người ở quê có hoàn cảnh khó khăn |
Dù vậy, để bù lại, Minh Hồng cùng những người bạn đồng hương dự định tổ chức tiệc nhỏ thân mật bên đây và sẽ gọi điện đón năm mới từ xa với gia đình. Số tiền lẽ ra sử dụng cho chuyến đi, Hồng gửi về, nhờ mẹ sắm sửa cho cả nhà và mua ít quà Tết tặng những người ở quê có hoàn cảnh khó khăn.
"Không khí đón xuân chắc sẽ khác biệt so với hằng năm nhưng sự quan tâm, săn sóc, yêu thương thì không thay đổi, có phần còn tăng thêm nữa. Quan trọng nhất là giữ được không khí Tết ở trong lòng, vì như thế thì chẳng có khoảng cách địa lý hay hoàn cảnh nào ngăn cách được", Minh Hồng chia sẻ.
Tại Việt Nam, rất nhiều người cũng có những ngày Tết khác biệt vì công việc, hoàn cảnh. Phạm Hoàng Đức (27 tuổi, bác sĩ tại một bệnh viện tại Hà Nội) vừa thông báo với gia đình rằng Tết này sẽ phải ở lại để trực Tết vì số lượng ca mắc COVID-19 tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tết năm nay, Hoàng Đức sẽ ở lại Hà Nội để tham gia công tác chống dịch cùng thành phố |
"Nhiều tháng liền mình không thể về nhà vì tham gia vào công tác phòng, chống dịch cùng đội ngũ y tế của thành phố. Tết này dự định sẽ về quê đón Tết cùng gia đình sớm hơn nhưng dịch bệnh tại Hà Nội lại bùng phát, mình phải gác lại mọi dự định để ở đây cùng mọi người.
Gọi điện về nhà, mình thấy ấm lòng hơn khi bố mẹ và em gái đều bảo không sao, miễn là mình có thể giúp mọi người khỏi bệnh, khỏe mạnh đón năm mới là cả nhà đều vui rồi. Tại bệnh viện nơi mình làm việc, cứ đi đến đâu là đều nhận được những lời hỏi thăm từ mọi người. Dường như sau khoảng thời gian đặc biệt chiến đấu với dịch bệnh, mọi người đều hiểu hơn công việc của bác sĩ và biết nghĩ cho người khác nhiều hơn", bác sĩ Hoàng Đức chia sẻ.
Do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, Trần Minh Phương (25 tuổi, nhân viên một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh) quyết định không về quê tại Thái Bình để ăn Tết âm lịch như mọi năm.
Tuy vậy, không vì thế mà cô gái trẻ cảm thấy năm mới đã ở xa vạn dặm. Minh Phương chia sẻ rằng, cô nghĩ sự hy sinh nhỏ bé của mình là điều cần thiết cho cuộc chiến chống dịch khi bản thân vừa tiếp xúc với F0, F1 và chính tình hình dịch bệnh tại Thái Bình vẫn còn đang phức tạp.
Minh Phương không về quê đón Tết để đảm bảo an toàn cho gia đình |
"Mình nghĩ rằng, Tết giãn cách nhưng không xa cách là tinh thần chung của nhiều người đang phải bám trụ lại thành phố dịp năm mới như mình. Chúng mình tự mang không khí Tết vào căn phòng trọ vắng người bằng cách mua một cành mai hay nhánh đào, mở toang cửa sổ để không khí mùa xuân tràn vào.
Nhờ đó, trong những cuộc gọi video cho gia đình, mình có thể khiến bố mẹ yên tâm khi thấy con vẫn có cách đón Tết của riêng nhưng vẫn đầy đủ. Những lời thăm hỏi và các món quà cũng được mình gửi đến người thân nơi phương xa thay cho thông điệp yêu thương dù chẳng gần kề. Đó là những điều tuy không lớn lao những sẽ giúp tất cả mọi người cùng thoải mái, yên tâm", Minh Phương chia sẻ.
Ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, Tết luôn mang ý nghĩa thiêng liêng vì là sự khởi đầu, niềm hy vọng, dịp để bày tỏ yêu thương gắn kết. Nhiều người sống xa nhà hay bận rộn với công việc mà không thể đón Tết cùng gia đình cho biết, dù có chút buồn vì không thể về nhà sum vầy bên gia đình vào dịp Tết nhưng vẫn cố gắng làm gì đó để mang không khí xuân về.
Tết ấm áp vẫn luôn đến từ những điều giản dị nhất |
Công thức để Tết thêm trọn vẹn của họ không gì phức tạp mà đôi khi nằm ở những hành động nhỏ bé, giản dị như nấu một vài món ăn, gửi lời chúc, thăm hỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... để kết nối, sẻ chia và trao gửi thân tình năm mới.
Năm mới đã cận kề, khởi đầu nhiều hy vọng đang đợi chờ. Dù hoàn cảnh thế nào, mỗi người sẽ có cách để tìm niềm vui riêng cho bản thân và lan tỏa điều tốt lành đến nhau, bắt đầu từ những hành động bé nhỏ.