Tết cổ truyền trong mắt bạn trẻ Gen Z
Phố Hàng Mã "khoác áo đỏ" rực rỡ đón Tết Cổ truyền Lần đầu tiên quảng bá Tết cổ truyền Việt Nam tại EXPO Dubai |
Bạn Nguyễn Quỳnh Nga (24 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, theo nhịp sống thời công nghệ 4.0, nhiều hình thức tiện lợi và hiện đại đã làm thay đổi nhiều phong tục của Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp Tết truyền thống không vì thế mà mất đi. Với Quỳnh Nga cũng như nhiều người bạn của cô, giá trị văn hóa Tết vẫn luôn được duy trì và phát huy qua các phong tục truyền thống như: Thắp hương, thăm mộ tổ tiên, gói bánh chưng, cúng giao thừa, lì xì…
Bạn trẻ viết thư pháp cho ngày Tết thêm ý nghĩa |
Mỗi lần được về quê theo mẹ đi chợ sắm Tết, cùng bố mẹ rửa lá dong gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn mâm ngũ quả để đón Tết, Nga vô cùng thích thú. Cô gái bày tỏ: "Với mình, cảm giác đại gia đình quây quần bên nhau, cùng gói bánh chưng, làm mâm cỗ tất niên, kể những chuyện vui buồn của một năm là niềm hạnh phúc đáng trân trọng, nâng niu. Đó là những ký ức đẹp, đáng quý và mình luôn muốn lặp lại mỗi dịp Tết cổ truyền. Theo mình, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng tạo bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam mà bất kỳ một ngày lễ nào cũng không thể thay thế được. Điều đặc biệt, hiện nay giới trẻ đã và đang có nhiều cách đón Tết mang màu sắc riêng của họ”.
Cũng như Nga rất trân trọng những nét đẹp truyền thống nhưng Hoàng Thuý Hằng (25 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) còn cho rằng, sự mới mẻ, hiện đại và gọn nhẹ mà vẫn ngập tràn niềm vui là xu hướng đón Tết của giới trẻ hiện nay. Bản thân cô là một người trẻ như vậy.
Giới trẻ hào hứng đón chào Tết cổ truyền 2023 |
Hằng bày tỏ: “Mỗi dịp Tết đến, mình không phải làm nhiều việc, chỉ biết đi siêu thị mua đồ về nhà là xong. Mình không biết gói bánh chưng, không biết làm dưa hành hay mứt… Mình thấy, Tết bây giờ cũng đơn giản hơn. Thật sự mình rất thích các phong tục cổ truyền nhưng cũng thích sáng tạo để biến đổi các phong tục ấy đi một chút cho phù hợp hơn với thời thế. Tuy nhiên, những biến đổi ấy chỉ là một chút chuyển biến cho phù hợp hoàn cảnh, phù hợp thời đại hơn thôi, chẳng hạn như thay vì hái lộc đầu xuân, mình mua đào, mai, hoa về cắm… Bởi những phong tục cổ chính là nét đặc trưng khiến nền văn hóa Việt Nam trở nên khác biệt và nổi bật hơn trên thế giới”.
Do đặc thù công việc chiếm nhiều thời gian nên bạn Nguyễn Anh Dũng (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) chọn đón Tết theo kiểu "công nghiệp hóa”. Dũng chia sẻ, cậu ưu tiên chọn những mặt hàng bánh, mứt, thực phẩm, đồ ăn có sẵn được bày bán ở các chợ và siêu thị, có thời gian sơ chế, chế biến nhanh để thết đãi người thân, bạn bè trong Tết. Bởi cậu muốn dành nhiều thời gian để quây quần với người thân trong gia đình, cùng ăn cơm và ôn lại kỷ niệm, chia sẻ nhiều điều. “Mình nghĩ, cùng với sự phát triển của xã hội, sự hiện đại của khoa học công nghệ, việc chuẩn bị cho những ngày Tết nên đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo giữ được nét đẹp truyền thống Tết của người Việt”, chàng trai bày tỏ.
Nhiều bạn trẻ khéo tay làm mứt Tết |
Trong cuộc sống hiện nay, Tết truyền thống cũng trở nên hiện đại trong suy nghĩ và hành động của người trẻ nhưng điều đó càng cho Tết thêm đa dạng, giàu màu sắc. Với sức mạnh của công nghệ 4.0, Tết cổ truyền không chỉ được “đổi mới” mà còn được quảng bá khắp muôn nơi. Để ghi lại khoảnh khắc, kỷ niệm, phong tục đẹp trong những ngày đầu năm mới, nhiều bạn trẻ chụp ảnh đăng Facebook, Zalo, Youtube… càng khiến Tết thêm rộn ràng khắp từ ngoài đời thực đến mạng xã hội.
Chia sẻ cách đón Tết của các bạn trẻ Gen Z cho thấy họ luôn trân quý Tết cổ truyền, đồng thời đưa những giá trị, khuôn khổ truyền thống vượt qua “lối cũ” của Tết xưa, để phù hợp với thời hiện đại.