“Thang thuốc” cải thiện sự minh bạch, trách nhiệm của cơ quan hành chính
Thước đo hiệu quả hành chính công
Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh đưa ra những giải pháp hợp lý nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của mình.
Khi người dân cảm thấy hài lòng với dịch vụ công, họ sẽ có sự tin tưởng và tôn trọng dành cho Chính phủ và các cơ quan hành chính. Điều này cũng mang lại lợi ích kinh tế khi các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả với các yêu cầu thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội thảo khoa học "Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội" |
Thời gian vừa qua, kết quả một số chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền năm 2022 đã cho thấy những kết quả tích cực (công bố tháng 4/2023): Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội (PARINDEX) đạt 89,58%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh/thành phố. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, chỉ số hài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,90/80 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước (giai đoạn 2015 - 2020, Hà Nội luôn ở vị trí nhóm 4 - nhóm có điểm số thấp nhất).
Trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, thành phố đã đưa vào và vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Nhận diện một số tồn tại
Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, qua khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp nhận thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề gây khó chịu và bất tiện đối với quá trình làm việc và sử dụng dịch vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Đồng chí Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội tham luận tại Hội thảo khoa học "Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội" |
Hiện nay, một số vấn đề không hài lòng của người dân và tổ chức trong quá trình giao dịch với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội có thể kể đến như: Quy trình thủ tục hành chính phức tạp đòi hỏi nhiều thủ tục và tài liệu, gây ra sự bất tiện và tốn thời gian cho doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan chức năng. Đội ngũ nhân viên không đủ chuyên môn và thân thiện, một số không có đầy đủ kiến thức chuyên môn và không hỗ trợ một cách tận tâm.
Ngoài ra, sự thiếu minh bạch và thông tin không đầy đủ về quy trình, thủ tục và chính sách của các cơ quan, đơn vị cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành các yêu cầu cần thiết. Một số cơ quan hành chính thiếu tương tác xã hội có thể dẫn đến sự không hài lòng. Người dân cần có cơ hội để tham gia vào quy trình đưa ra quyết định và có tiếng nói trong việc xây dựng các chính sách và quy định hành chính.
Về chất lượng dịch vụ công, nếu các cơ quan hành chính không cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, người dân có thể cảm thấy không hài lòng và thiếu động lực để tương tác với hệ thống hành chính. Để tăng cường sự hài lòng, các đơn vị cần tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ công và đáp ứng nhu cầu của người dân một cách hiệu quả.
Một vấn đề nữa đó là sự quản lý không hiệu quả trong hệ thống hành chính có thể dẫn đến vấn đề không hài lòng. Việc thiếu quy trình, phân công công việc chưa rõ ràng và kỹ năng quản lý yếu có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và sự hài lòng của người dân.
Giải pháp trọng tâm
Để giải quyết các thách thức này, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện cải cách hành chính để tăng tính minh bạch, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tăng cường tương tác xã hội và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, đề xuất cải thiện quản lý và học hỏi từ những thành công của các quốc gia khác trong lĩnh vực này. Từ đó, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về cải cách hành chính và chất lượng dịch vụ công của thành phố Hà Nội.
Tại Hội thảo khoa học "Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội", đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã nêu ra một số giải pháp để cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính thành phố.
Thứ nhất, các đơn vị tiếp tục triển khai chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2022.
Qua đó, các đơn vị cần xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ: Đề xuất thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ công cụ thể và minh bạch.
Các tiêu chuẩn này sẽ giúp đảm bảo rằng các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công chất lượng cao và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội" |
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Chất lượng của cán bộ, công chức hành chính là yếu tố cơ bản, quyết định tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nên việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cần thực hiện thường xuyên; có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, như hệ thống máy tính, các phần mềm tích hợp, hệ thống trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch đơn giản, nhanh, giảm thiểu chi phí đi lại; Nghiên cứu sáp nhập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố và Cơ quan chỉ đạo về Chính phủ điện tử thành phố.
Thứ tư, nên thay đổi hình thức khảo sát từ “Khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính” thành “Khảo sát về hiệu quả quản trị và hành chính công tại cơ sở trên địa bàn thành phố” theo các phương pháp khảo sát của Chỉ số PAPI do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phối hợp thực hiện; đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS).
Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công đạt mức 3 và mức 4, trong đó mức 4 đạt khoảng 70%.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Đẩy mạnh công tác khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức trong sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đánh giá và sử dụng hiệu quả kết quả khảo sát để đề ra các giải pháp hoàn thiện.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính điện tử đối với lĩnh vực xây dựng, đất đai; đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Thứ bảy, triển khai đúng tiến độ và chất lượng về kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức, đề án xác định vị trí việc làm và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; tinh giản biên chế và hoàn thiện các nội dung về ủy quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện quy định về ủy quyền trên các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước.
Tăng cường trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của cơ quan hành chính thành phốTheo đồng chí Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, các cơ quan đơn vị hành chính cần tăng cường và thực tế hóa việc sử dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để tăng cường hiệu quả và tiết kiệm thời gian trong thủ tục hành chính. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu và phân loại thông tin từ các tài liệu và biểu mẫu. AI có thể giúp giảm bớt công việc thủ công và giúp xử lý dữ liệu nhanh chóng và chính xác hơn. Chatbot và trợ lý ảo: Đề xuất sử dụng chatbot và trợ lý ảo để cung cấp hỗ trợ tự động và câu trả lời tức thì cho người dân trong quá trình hoàn thành thủ tục hành chính. Chatbot có thể giúp giải đáp các câu hỏi thông thường và cung cấp hướng dẫn chi tiết cho người dùng, giúp tiết kiệm thời gian và tăng cường hiệu quả. Biểu đồ quy trình tự động: Đề xuất sử dụng công nghệ công cụ tự động để tạo biểu đồ quy trình hành chính. Việc tự động hóa quá trình tạo biểu đồ giúp xác định và cải thiện các bước trong thủ tục, từ đó tăng cường hiệu suất và tiết kiệm thời gian trong việc thực hiện các quy trình hành chính. Phân tích dữ liệu: Đề xuất sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu quả và cải thiện quy trình hành chính. Phân tích dữ liệu có thể tiết lộ các khía cạnh cần được cải thiện và giúp định rõ các vấn đề tiềm ẩn để đưa ra các biện pháp khắc phục. Hồ sơ điện tử: Xây dựng hệ thống hồ sơ điện tử để giữ và quản lý thông tin của người dân. Hồ sơ điện tử giúp người dân truy cập và cập nhật thông tin cá nhân một cách tiện lợi, tránh việc phải đi lại và nộp lại các giấy tờ lặp đi lặp lại. Thanh toán trực tuyến: Cung cấp cơ chế thanh toán trực tuyến để người dân có thể thanh toán phí và lệ phí hành chính một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều này giúp giảm tình trạng xếp hàng và tiết kiệm thời gian cho người dân. Trang bị các hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ cao nhằm giúp quy trình xử lý thủ tục hành chính được nhanh chóng và hiệu quả hơn, như thiết bị đọc và xác minh căn cước công dân, thiết bị tủ trả kết quả và thanh toán tự động, thiết bị ghi nhận đánh giá sự hài lòng của người dân... Việc sử dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong thủ tục hành chính có thể giúp tăng cường hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, cần có kế hoạch triển khai kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn thông tin và đảm bảo sự tương tác tốt giữa công nghệ và con người. Những đề xuất và khuyến nghị này nhằm cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, mang lại một dịch vụ công hiệu quả, thuận tiện và đáng tin cậy. Đồng thời, việc triển khai công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng cường hiệu quả và tiết kiệm thời gian trong các quy trình hành chính. |