Thanh Hóa tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4
Người dân làm quen với dịch vụ công trực tuyến |
Đây là một trong những giải pháp đột phá thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo điều kiện thuận lợi cho ngưòi dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí và công khai, minh bạch hoạt động giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ở các sở, ngành, địa phương tại Thanh Hóa được thực hiện khá phân tán, chủ yếu là ở mức độ 1 và 2, nên rất khó để xây dựng một công cụ dùng chung cho người dân và doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng.
Điều này cũng gây khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống phần mềm hỗ trợ công chức tiếp nhận, xử lý các hồ sơ được nộp qua mạng. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa xác định phải xây dựng một cổng dịch vụ công tập trung, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, để cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị bàn về tình hình sử dụng Cổng dịch vụ công và Phần mềm một cửa điện tử và giải pháp tăng tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Phải làm sao xây dựng hệ thống một cửa điện tử liên thông thống nhất dùng chung trong toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã để hỗ trợ cho cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, quản lý, trả kết quả của việc giải quyết thủ tục hành chính, đào tạo công dân điện tử.
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã đề xuất 9 giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4. Theo đó, đề nghị các sở ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt đối với cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp huyện chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, nhất là công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; gắn trách nhiệm thực hiện bảo đảm tỷ lệ với các phòng, ban, đơn vị có các trung tâm hành chính cung cấp mức độ 3 và 4; Tăng cường tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính trên Công dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia…
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị rà soát danh mục TTHC, lựa chọn những thủ tục phù hợp, đủ điều kiện thực hiện trực tuyến, có tần suất phát sinh nhiều để xây dựng kế hoạch, lộ trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, tỉnh tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các TTHC mức độ 3, mức độ 4 của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã; công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời các TTHC trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; Cổng dịch vụ công tỉnh và Trang thông tin điện tử của đơn vị theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, tính từ 16/9/2019 đến nay, hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 có tổng hồ sơ đã tiếp nhận của các trung tâm hành chính đăng ký thực hiện được 16.500 hồ sơ; đạt 6,53% so với yêu cầu đề ra. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có tổng hồ sơ đã tiếp nhận của các trung tâm hành chính đăng kí thực hiện được 2.879 hồ sơ; đạt 42,03% (vượt chỉ tiêu đề ra).
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tham gia trao đổi, giao dịch ở mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công vẫn còn có hạn chế.
Điển hình như tại phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, từ khi bắt đầu thực hiện dịch vụ cho đến nay, phường chỉ mới tiếp nhận và giải quyết 100 bộ hồ sơ gửi qua mạng. Còn tại địa bàn xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, lượng thủ tục hành chính giải quyết ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 không đáng kể. Nguyên nhân là do phần lớn người dân là nông dân, người lao động nên trình độ tin học hạn chế. Mặt khác, đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng, để thực hiện thủ tục hành chính khi cần.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, một cán bộ bộ phận một cửa xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn cho biết: "Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo thì xã, phường, thị xã của tỉnh đã đầu tư trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu về công nghệ thông tin cho bộ phận một cửa như: Máy tính, máy in, máy phôtô, máy quét... để thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến. Ban Quản lý điều hành Đề án xây dựng chính quyền điện tử, các địa phương đã phối hợp để mở các lớp tập huấn cho người dân và doanh nghiệp về kỹ năng nộp hồ sơ trực tuyến. Tuy nhiên, lượng thủ tục hành chính giải quyết ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, cũng không đáng kể, vì do phần lớn người dân của xã chúng tôi là nông dân, người lao động nên trình độ tin học hạn chế. Để thực hiện tốt hơn, chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân nhận thấy lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính".
Ngoài sự tiện lợi của việc làm thủ tục qua mạng, thì nhờ dịch vụ công trực tuyến mà người dân cũng hạn chế đi lại, hạn chế đến nơi đông người trong mùa dịch Covid-19. Chỉ cần một chiếc máy vi tính có nối mạng hoặc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể giải quyết được công việc.
Tỉnh nên tăng cường tuyên truyền cho người dân để hiểu và ủng hộ việc làm thủ tục hành chính qua mạng, vừa góp phần giảm phiền hà phải đi lại nhiều lần, vừa chống được nhũng nhiễu, tiêu cực có thể phát sinh khi làm việc trực tiếp, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang tập trung cao độ để chống dịch như hiện nay.
Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như: minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ.
Ngoài việc tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và nắm được cách thực hiện, các cơ quan công quyền tại tỉnh Thanh Hóa cũng cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc vấn đề này từ người đứng đầu, đồng thời dành sự quan tâm, đầu tư kinh phí đúng mức để áp dụng công nghệ hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |