Thành phố Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
TP Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số |
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.
Theo đó, TP Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tỉnh Thừa Thiên - Huế xếp thứ 2, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 3, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 4, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 5… Trong khi đó, xếp vị trí cuối cùng của 63 tỉnh/thành là tỉnh Ninh Thuận.
Được biết, trong những năm vừa qua TP Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu quan trọng trong chuyển đổi số. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến của thành phố hiện nay có hơn 97% thủ tục trực tuyến (trong đó 66% ở mức 4). Cùng với đó, thành phố triển khai thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh và bước đầu hình thành kho dữ liệu số phục vụ chia sẻ cho các cơ quan. Thành phố cũng đã đưa vào sử dụng cổng dữ liệu (mở) để công khai thông tin, dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp…
Theo Thành ủy Đà Nẵng, việc chuyển đổi số được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nên phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hạng các tỉnh, thành về chuyển đổi số năm 2020 |
Trước đó, năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban quyết định phê duyệt Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (DTI).
Trong đó, Bộ Chỉ số DTI cấp bộ có thang điểm đánh giá là 500 điểm, gồm 7 chỉ số là: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Hạ tầng và nền tảng số; Thông tin và dữ liệu số; Hoạt động chuyển đổi số; An toàn, an ninh mạng; Đào tạo và phát triển nhân lực với tổng số 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí.
Bộ Chỉ số DTI cấp tỉnh có thang điểm đánh giá là 1.000 điểm, gồm 3 trụ cột chính là: Chính quyền số (400 điểm); Kinh tế số (300 điểm); Xã hội số (300 điểm) với tổng số 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí.
Theo đó, mỗi một trụ cột Bộ Chỉ số DTI cấp tỉnh bao gồm 7 chỉ số chính là: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Hạ tầng và nền tảng số; Thông tin và dữ liệu số; Hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; An toàn, an ninh mạng; Đào tạo và phát triển nhân lực.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xác định Bộ Chỉ số DTI cấp bộ, cấp tỉnh nhằm theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.