Thành phố Huế hướng đến giảm sử dụng chai nhựa dùng một lần
Triển khai mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa năm 2024 Cùng bạn trẻ hiểu tín chỉ carbon, giảm thiểu rác thải nhựa Cảnh báo lượng rác thải khổng lồ từ thương mại điện tử |
Đại diện lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành cắt băng khánh thành trạm cấp nước miễn phí tại nhà chờ khu vực chùa Thiên Mụ |
Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Công viên Cây xanh TP Huế vừa tổ chức lễ khánh thành thêm 5 trạm nhà chờ và máy cấp nước uống miễn phí tại các điểm du lịch của TP Huế.
Lan tỏa ý thức giảm thải nhựa trong cộng đồng
Với sự ra mắt của 5 trạm nhà chờ và máy cấp nước uống miễn phí, du khách và người dân cố đô có thể sử dụng các tiện nghi trên khi đến các địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như: Chùa Thiên Mụ, phố cổ Bao Vinh, cầu Bán Nguyệt - Bến Me, đồi Vọng Cảnh và sới vật làng Sình.
Trước đó tháng 8/2023, WWF-Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào vận hành 3 trạm nhà chờ và cấp nước uống tại các lăng vua Gia Long, vua Minh Mạng và vua Đồng Khánh.
Các điểm cấp nước miễn phí nhằm mục đích xây dựng thói quen của người dân và du khách trong việc giảm sử dụng chai nhựa dùng một lần |
Các địa điểm cấp nước miễn phí trên được đưa vào vận hành nhằm mục đích xây dựng thói quen của người dân và du khách trong việc giảm sử dụng chai nhựa dùng một lần, luôn mang theo bình cá nhân để tiếp nước, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát triển du lịch bền vững và giảm phát sinh và ô nhiễm nhựa tại TP Huế.
Được biết, hệ thống nước tại các trạm cấp nước còn đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng: Máy lọc nước đạt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN 11978:2017 đảm bảo an toàn, chất lượng vệ sinh với bộ 5 lõi lọc, trong đó có lõi lọc RO 300G có khả năng loại bỏ trên 99% vi khuẩn amip, asen, kim loại nặng, virus, vi khuẩn và các tạp chất khác cho ra nguồn nước đảm bảo độ tinh khiết...
Du khách thích thú trải nghiệm trạm cấp nước sạch miễn phí tại các di tích và điểm du lịch tại TP Huế |
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, cho biết, với mong muốn hỗ trợ TP Huế giảm thiểu rác thải nhựa và xứng tầm với danh hiệu thành phố du lịch sạch ASEAN.
Từ năm 2023 đến nay, WWF-Việt Nam đã tài trợ tổng cộng 9 trạm nhà chờ và máy cấp nước uống miễn phí nhằm khuyến khích người dân và du khách giảm sử dụng chai nhựa dùng một lần và luôn mang theo bình nước cá nhân để tái nạp đầy tại các trạm cấp nước.
“Chúng tôi kỳ vọng các điểm cấp nước này sẽ là động lực để người dân Huế dần hình thành thói quen giảm nhựa dùng một lần, cải thiện trải nghiệm của du khách khi tham quan các địa điểm du lịch, hãy là những khách bộ hành thể dục nâng cao sức khỏe, phát triển thành một cộng đồng sống xanh bền vững để giữ gìn TP Huế xinh đẹp cho thế hệ mai sau”, bà Hoàng Ngọc Tường Vân nói.
Đồng thời, UBND thành phố Huế phối hợp với WWF-Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai tuyên truyền việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa trên phần mềm tương tác của Hue-S (Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến với người dân và du khách.
Hệ thống nước tại các trạm cấp nước đảm bảo an toàn với bộ 5 lõi lọc đảm bảo chất lượng vệ sinh |
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào cuối năm 2024, dự án đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, hướng dẫn phân loại rác thải, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa.
Đặc biệt, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần lan tỏa đến cộng đồng và du khách về việc ứng xử văn minh với môi trường, góp phần giảm rác thải nhựa.
Ông Phan Thiên Định, Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy Huế cho rằng, hoạt động này của WWF-Việt Nam rất ý nghĩa và thiết thực, thể hiện thông điệp xây dựng đô thị Huế xanh - sạch - đẹp, thân thiện, văn minh, phát triển bền vững; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi được tiếp nhận các nhà chờ và trạm cấp nước phải có trách nhiệm bảo vệ, duy trì, vận hành, sử dụng hiệu quả.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Huế, TP Huế vinh dự trở thành đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới “Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa”.
Việc tham gia mạng lưới sẽ giúp thành phố huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước.
Tại các trạm nhà chờ và cấp nước miễn phí, du khách có thể sử dụng nước uống trực tiếp tại vòi, hoặc mang theo bình nước để lấy nước ở vòi thay vì mua các chai nước nhựa dùng một lần; từ đó, có thể tuyên truyền và lan tỏa ý thức giảm thải nhựa trong cộng đồng và du khách khi đến các điểm tham quan ở Huế.
Ngay khi đưa vào vận hành, nhiều du khách trải nghiệm thấy rằng, trạm nhà chờ và cấp nước rất tiện lợi.
Thay vì uống nước chai nhựa phải bỏ thùng rác, nay có thể tận dụng chai đem theo để lấy nước trực tiếp tại vòi sử dụng.
Đã có 9 trạm nhà chờ và tiếp nước uống miễn phí ở các điểm tham quan di tích, du lịch tại TP Huế |
Trải nghiệm điểm cấp nước sạch miễn phí tại lăng vua Gia Long, chị Lê Uyên Nhi (du khách Đà Nẵng) cho hay, các trạm cấp nước miễn phí sẽ tiết kiệm chi phí mua nước, cũng như hạn chế du khách đưa các chai nước nhựa, hoặc là các vật dụng bằng nhựa chứa nước khi vào các điểm di tích; là một giải pháp để tuyên truyền đến tất cả mọi người hạn chế rác thải khi vào các khu di sản.
Cảm thấy hài lòng khi sử dụng nước uống tại trạm cấp nước uống miễn phí cho du khách ở các di tích, anh Troy Nankervis (đến từ Úc) chia sẻ: “Mô hình này rất tuyệt, đây là cách để bảo vệ môi trường rất tốt, khuyến khích khách du lịch sử dụng bình nước cá nhân, các trụ nước sạch được lắp đặt hệ thống máy lọc nước thông minh, nước cung cấp cho bình lọc đã xử lý qua nhiều công đoạn, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh, du khách yên tâm sử dụng”.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cam kết giảm thải nhựa
Những năm qua, TP Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần. Địa phương đặt ra mục tiêu trong năm 2024 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường với sự hỗ trợ từ Dự án TVA Huế.
Trong đó, ngành du lịch được xem là ngành có lượng rác thải nhựa phát sinh lớn và được thành phố chú trọng hỗ trợ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, giảm rác thải nhựa.
Trao tặng các vật dụng thay thế đồ nhựa dùng một lần cho Tổ liên kết bán đậu hũ tại khu vực chùa Thiên Mụ |
Tại chương trình tổng kết “Thực hành giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch”, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, sau 1 năm triển khai nhiều hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, xây dựng điểm đến thân thiện...
Đã có 120 thành viên trực thuộc, bao gồm các khách sạn, công ty lữ hành, điểm du lịch cộng đồng, đồng thuận về tính cấp thiết của việc triển khai các hoạt động giảm sử dụng sản phẩm nhựa trong các hoạt động của đơn vị mình.
Theo đó, 22 khách sạn (tương đương 70% số lượng thành viên của hội khách sạn) cam kết triển khai ít nhất một lần thực hành giảm sản phẩm nhựa dùng một lần tại đơn vị.
Cụ thể, có 7 khách sạn tiên phong với những mô hình, sáng kiến, đề ra kế hoạch giảm nhựa trong hoạt động kinh doanh với nguyên tắc 6T (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Thay thế - Tái chế - Thu gom).
20 khách sạn và công ty lữ hành tại TP Huế đã ký cam kết tiếp tục tham gia hành trình chung tay thực hành giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch |
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh tầm quan trọng của Thừa Thiên - Huế trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo ông Thắng, nếu không có biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa kịp thời thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường du lịch và sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong thời gian tới. Hiện có 7 khách sạn tại Thừa Thiên - Huế đang đi đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa với những kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các hội lữ hành, hướng dẫn viên, cộng đồng và các hội khác để đưa Huế trở thành một thành phố không rác thải nhựa. Đây không chỉ là một mục tiêu đầy thách thức mà còn là một cơ hội để Thừa Thiên - Huế khẳng định vị thế của mình là một điểm đến du lịch xanh và bền vững.
Được biết, phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch.
Hiện nay, TP Huế thực hiện nhiều giải pháp giảm rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, xây dựng các điểm du lịch xanh; qua đó, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân và du khách trong bảo vệ môi trường, hướng đến một đô thị giảm nhựa năm 2024.