Tháo gỡ những "điểm nghẽn" để du lịch Thủ đô bứt phá
Hà Nội phát huy tiềm năng phát triển kinh tế đêm Phát huy lợi thế trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô Hà Nội Ngành Du lịch Thủ đô tăng trưởng ấn tượng |
Làm gì để Hà Nội không chỉ là "điểm trung chuyển"?
Câu hỏi này đã được đặt ra và các đại biểu tập trung thảo luận, tìm cách tháo gỡ tại buổi kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 06/Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” tại Sở Du lịch Hà Nội vào sáng nay (14/7).
Đoàn kiểm tra do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dẫn đầu. Cùng dự còn có các đồng chí: Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP; Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; Nguyễn Xuân Lưu, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Cùng đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội; CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội…
Với vị thế Thủ đô của cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; Khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì buổi làm việc với Sở Du lịch Hà Nội |
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã chỉ đạo và phối hợp các địa phương tập trung xây dựng, phát triển một số mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây…
Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch; Nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch từ trung tâm thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình); Khu vực Sơn Tây - Ba Vì; Thạch Thất - Quốc Oai; Đông Anh - Sóc Sơn; Hà Đông và phụ cận; Đổi mới, xây dựng và phát triển các tour du lịch nội địa ngắn ngày trong thành phố, các tour phục vụ du khách người Hà Nội; Chương trình du lịch trải nghiệm, giáo dục học đường…
Nhìn vào kết quả trên có thể thấy rõ sự tăng trưởng khá ấn tượng của ngành Du lịch Thủ đô. Tuy vậy, đánh giá một cách khách quan, cho đến nay, với rất nhiều nguyên nhân như sản phẩm du lịch còn đơn chiếc, thiếu đặc sắc để phù hợp với nhiều đối tượng du khách; Quy hoạch còn thiếu đồng bộ, chưa khai thác hết các điểm đến "níu chân" du khách... dẫn đến hiện nay Hà Nội chủ yếu là "điểm trung chuyển" của khách du lịch. Đây cũng là nhận định chung của các đại biểu tham dự buổi làm việc với Sở Du lịch Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Lưu, Phó Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Xuân Lưu, Phó Giám đốc Sở Tài chính đánh giá, tuy Hà Nội đã có một số sản phẩm du lịch khai thác các yếu tố giá trị văn hóa nhưng nhìn chung, hệ thống sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đơn cử như, thành phố thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch đêm, chất lượng, dịch vụ phụ trợ còn nghèo nàn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như nơi lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều.
Đặc biệt, thành phố rất thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao), chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
"Tôi đến Hàn Quốc thấy họ làm du lịch rất chuyên nghiệp. Họ kể câu chuyện văn hóa của điểm đến một cách văn minh, thuần thục, khiến khách du lịch phải bỏ tiền ra mua sắm các sản phẩm du lịch. Nếu chúng ta giải quyết được nhu cầu của khách du lịch như: Ăn, ở, xem, trải nghiệm... thì sẽ thúc đẩy được khách tăng mua sắm, chi tiêu; Giữ chân du khách tham quan Hà Nội lâu hơn.
Bên cạnh đó, thành phố cần tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho du khách một cách tốt nhất. Làm sao để đón khách du lịch như đón họ đến thăm Hà Nội, để thấy người Hà Nội thực sự trân trọng họ", Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Cần phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch học đường
Bàn về phát triển ngành dịch vụ không khói, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, thành phố cần phải chăm chút, làm mới sản phẩm du lịch cũ; Đồng thời ra mắt các sản phẩm du lịch mới.
"Đó phải là sản phẩm đặc trưng của Hà Nội để bạn bè quốc tế đến thăm ngưỡng mộ, người Hà Nội phải tự hào. Nếu chúng ta cứ dàn trải thì sẽ không có điểm nhấn. Điều này liên quan đến công tác quy hoạch du lịch", ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh.
Đặc biệt, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch cho Thủ đô cũng được các đại biểu đồng tình cho ý kiến.
"Bên cạnh đào tạo nhân lực am hiểu về văn hóa, cần phải đào tạo sâu về chuyên môn từ lời ăn, tiếng nói... đến cách hướng dẫn, chỉ đường của người làm du lịch. Hướng dẫn viên du lịch địa phương phải được coi trọng bởi không ai nói hay bằng chính người ở điểm đến du lịch đó.
Vì thế, ngành tạo nhân tố nòng cốt cho các điểm du lịch cộng đồng bằng cách lựa chọn một vài người ở địa phương có tiềm năng du lịch để đào tạo ngắn hạn... Chúng ta hãy làm thử rồi từ đó nhân rộng mô hình", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội |
Nhận định về tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch học đường, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, cho rằng: Đây là mảnh đất vô cùng màu mỡ. Chúng ta không cần "đánh bắt xa bờ", chỉ cần phục vụ tốt 10 triệu dân thành phố đã là quá tốt. Vì vậy, thành phố cần đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch học đường, tăng trải nghiệm cho các học sinh. Đây là thị trường mà ngành Du lịch Thủ đô cần khai thác".
Tháo gỡ "điểm nghẽn" chính sách
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề xuất HĐND thành phố, UBND thành phố quan tâm cho chủ trương về việc xây dựng, trình ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao… trên địa bàn.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại hội nghị |
Bên cạnh đó, thành phố quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại về thủ tục đất đai, đầu tư, liên quan đến loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; Loại hình cơ sở lưu trú khách sạn nghỉ dưỡng nhỏ, homestay. Bởi lẽ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái vẫn vướng mắc về thời hạn cho thuê đất ngắn hạn (5 năm) nên chưa yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Thêm nữa, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thành phố hiện rất khan hiếm nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Trong khi đó, các địa phương chỉ có phòng văn hóa, cán bộ văn hóa chứ chưa có có phòng ban hoặc nhân sự về du lịch. Vì vậy, thành phố cũng cần rà soát vị trí việc làm ở các quận, huyện, xã... để từ đó đầu tư nguồn nhân lực du lịch ở các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu |
Từ năm 2017 đến tháng 6/2023, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các cơ sở uy tín đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng với 138 khóa học, tổng số hơn 20.000 nhân lực của ngành gồm: Công chức quản lý Nhà nước về du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, lái xe và người phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch. Các khóa được tổ chức theo nhiều hình thức như đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, nâng cao... Nội dung tập huấn chủ yếu hướng đến các kỹ năng phục vụ khách du lịch và kỹ năng ứng xử văn minh du lịch… Riêng đội ngũ lao động trong những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch do các doanh nghiệp và cá nhân chủ động đào tạo, đào tạo lại nhằm không ngừng nâng cao nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ. |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, cần phải xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội gắn việc quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô với Chương trình số 06/Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và Nghị quyết 09 Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Vì vậy, các phương án khai thác 21 di tích quốc gia, điểm đến phải cụ thể, rõ ràng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu khai thác 6 nhà hát của thành phố, đặt hàng các chương trình gắn với phục vụ du lịch; Rà soát, hoàn thiện các tour du lịch có tính liên kết vì hiện tại đang rất rời rạc, thiếu chuyên nghiệp; Đồng thời khai thác có hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích quốc gia đặc biệt.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, Sở Du lịch đã sáng tạo, linh hoạt nên kết quả tăng trưởng du lịch rất khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố với tỷ trọng dịch vụ trên 65% trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong xác định sản phẩm du lịch trọng điểm, liên kết vùng, khai thác và phát huy các di tích trở thành điểm đến hấp dẫn...
"Sở Du lịch Hà Nội cần phải quan tâm đến câu chuyện quy hoạch du lịch thành phố; Phải theo dõi và có tinh thần phản biện. Đây là ngành tổng hợp và thu hút đầu tư thì phải có độ trễ", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.
Nhấn mạnh một lần nữa yếu tố du lịch văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu, ngành lồng ghép phát triển du lịch gắn với nhà trường; Phát triển mạnh du lịch học đường. Bởi lẽ điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giáo dục văn hóa truyền thống, di sản, lòng yêu nước, lòng tự hào cho thế hệ trẻ; Phát triển du lịch văn hóa gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và Hiệp hội Du lịch Hà Nội nghiên cứu, xây dựng Giải thưởng Du lịch Hà Nội để vinh danh các doanh nghiệp lữ hành, những cơ sở, điểm đến, địa phương làm tốt mô hình du lịch.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, các Sở, ban, ngành cần chung tay tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, để thành phố có thể tổ chức tốt những sự kiện mang tính quốc gia, quốc tế.
"Thành phố cần có những sự kiện lớn, có tính quy mô, thường niên, thậm chí mỗi quý một sự kiện để xứng danh là thành phố toàn cầu, từ đó phát triển du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa Thủ đô", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh.