Thấy gì từ nền công nghiệp giải trí –“con gà đẻ trứng vàng” ở Hàn Quốc?
Việt - Hàn đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá “Phát cuồng" vì Blackpink sắp đến Việt Nam Học thầy, học thêm cả bạn để tự tin tỏa sáng |
Những con số “biết nói”
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc phát triển rất mạnh. Những tác phẩm âm nhạc của Hàn Quốc cùng các nhóm nhạc trẻ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên giới trẻ Châu Á. Có thể thấy, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã nhanh chóng lan tỏa sức ảnh hưởng của K-Pop và làn sóng Hallyu không chỉ ở Châu Á mà còn trên toàn thế giới.
Hiện nay, tour lưu diễn vòng quanh thế giới “BORN PINK WORLD TOUR” của nhóm nhạc nữ hàng đầu K-Pop của Hàn Quốc hiện tại - BLACKPINK, đã trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại phương Tây như Spice Girls, TLC và Destiny’s Child.
Nhóm nhạc nữ hàng đầu K-Pop của Hàn Quốc hiện tại - BLACKPINK sẽ biểu diễn tại Hà Nội trong ngày 29-30/7 |
Chỉ tính riêng hồi giữa tháng 4/2021, 366.000 vé là con số mà BLACKPINK đã bán được trong 26 đêm diễn đầu tiên, mặc dù “BORN PINK WORLD TOUR” vẫn chưa kết thúc. Đỉnh điểm, nhóm nhạc đã mang về doanh thu đáng kinh ngạc - 78,5 triệu USD. Tiếp sau đó, nhóm có hơn 30 buổi biểu diễn trong tháng 5 ở những địa điểm lớn có sức chứa từ 50.000 - 80.000 chỗ ngồi ở Bắc Mỹ; Tháng 6, tháng 7, nhóm nghệ sĩ này lưu diễn tại Châu Á, vì vây, tổng doanh thu chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Trước đó, Billboard đã công bố BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm 2022, với doanh thu khoảng 30 triệu USD. Nhóm nhạc BTS mang về lợi ích quốc gia 56.000 tỉ won (khoảng 45,5 tỉ USD). Đây là con số khổng lồ chỉ có những tập đoàn kinh tế lớn đạt được trước đó. Việc giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard có tác dụng thúc đẩy kinh tế 600 tỉ won/giây. Trước đó, tờ Mydaily đưa tin BTS đóng góp cho kinh tế Hàn Quốc trong năm 2021 là 1,43 tỉ USD.
Theo kết quả của Viện nghiên cứu Hyundai (HRI), đóng góp của BTS vào GDP Hàn Quốc tương đương với hãng hàng không quốc gia Korean Air.
Ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực văn hóa
Có thể thấy, Hàn Quốc hiện đang có ngành công nghiệp giải trí phát triển bậc nhất Châu Á và là mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch.
Chính vì thế, quốc gia này đã luôn “mạnh tay” chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa. Năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 790 tỷ Won (622,5 triệu USD) để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp nội dung trong năm 2023 nhằm tăng xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc. Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ Hàn Quốc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trước đó, năm 2022, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã chi 526,8 tỷ Won để hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nội dung.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa của Hàn Quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2021 là 12,4 tỷ USD. Kết quả này là nhờ sự bùng nổ trên toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc.
Theo phân tích của Bộ Văn hóa Hàn Quốc, con số này vượt xa các lĩnh vực như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), pin thứ cấp (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và bảng hiển thị (3,6 tỷ USD). Chính nền công nghiệp văn hóa (CNVH) giải trí đã đưa Hàn Quốc từ quốc gia nghèo đói bậc nhất Châu Á những năm 1960 trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 Châu Á, thứ 10 thế giới về GDP năm 2020.
Kỳ vọng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vươn xa
Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như: Ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD; Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD...
"See tình" - bản hit của Hoàng Thùy Linh từng "gây sốt" trên thế giới |
Đáng nói, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của CNVH đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, CNVH của Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố. Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.
Một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là: Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa… Đặc biệt, khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, những sân chơi, không gian sáng tạo liên tiếp được rộng mở, tạo điều kiện cho hệ sinh thái sáng tạo phát triển mạnh mẽ.
Bởi vậy, những sự kiện văn hóa được tổ chức mới đây như Photo Hanoi’23, Lễ hội thiết kế sáng tạo hay ban nhạc BLACKPINK biểu diễn tới đây sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Thủ đô với hình ảnh “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”… Đồng thời, việc phát triển, tăng cường hợp tác, giao lưu với nước bạn trong lĩnh vực văn hóa cũng sẽ nhanh chóng thúc đẩy ngành CNVH của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung phát triển mạnh mẽ.
Nhận định chung về tiềm năng ngành CNVH ở Việt Nam, ông Moon Young Bae, Trưởng Phòng Marketing toàn cầu, Cục Xúc tiến du lịch thành phố Busan, Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam là một quốc gia vô cùng tiềm năng. Văn hóa, âm nhạc của Việt Nam cũng ngày càng được biết đến, có thể kể tới những ca khúc rất nổi tiếng như “See tình”, “2 phút hơn”… được giới trẻ Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung rất yêu thích. “Tôi nghĩ rằng với những điểm mạnh này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đưa nền âm nhạc và giải trí ngày càng phát triển hơn nữa. Một khi nền công nghiệp giải trí của Việt Nam được điều phối đúng hướng thì trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa làn sóng của riêng mình vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế, đem lại nhiều lợi nhuận góp phần phát triển kinh tế quốc gia”- ông Moon Young Bae nói. |