Thiết chế văn hóa - mái nhà ấm áp trong ngày mưa ngập
Huyện Đan Phượng: Chú trọng đầu tư cho các thiết chế văn hóa Hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa Gắn biển loạt thiết chế văn hóa chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô |
Những "cư dân" của nhà văn hóa
Cơn bão Yagi quét vào Hà Nội đã để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là những cơn mưa xối xả khiến Thủ đô của chúng ta "phố hóa thành sông". Ở những vùng ngập nặng, người dân không thể tiếp tục sinh sống trong ngôi nhà của chính mình. Lúc ấy, các thiết chế văn hóa, thể thao đã trở thành mái ấm thứ hai giúp họ khô ráo, an toàn, vững lòng vượt qua tình thế khó khăn này.
Đoàn công tác của UBND TP Hà Nội thăm hỏi người dân tại nơi tạm trú Nhà văn hóa cộng đồng thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu |
Trước tình thế cấp bách khi nước ngập mênh mông, UBND quận Ba Đình đã tổ chức di dời 30 hộ dân (40 người) tại đây về Nhà văn hóa phường Phúc Xá và vận động các hộ còn lại sơ tán đến nơi an toàn.
Tại quận Nam Từ Liêm, các phường đã bố trí địa điểm di dời Nhân dân đến nhiều điểm cao ráo, an toàn, trong đó có Nhà văn hóa. Cụ thể, phường Cầu Diễn bố trí phòng đơn cho người già, trẻ nhỏ và bố trí 4 hội trường lớn cho 30 hộ gia đình với khoảng 40 người, cung cấp nước, mỳ tôm, cơm suất, trứng. Phường Phú Đô bố trí Trung tâm văn hóa phường cho 17 hộ với 50 người.
Tại huyện Quốc Oai, khi mưa lũ khiến hơn 1.200 hộ dân ở 6 xã vùng ven sông Tích bị ngập lụt trong đó có 226 hộ dân bị ngập sâu. Toàn bộ 133 hộ dân tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu đã được di tản. Nhiều hộ trở thành "cư dân" tạm thời tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu).
Ngày 11/9, UBND quận Bắc Từ Liêm di dời 100% hộ dân khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng trên địa bàn 4 phường tới nơi an toàn, tránh ngập lụt. Chỉ tính riêng đêm 10/9, địa phương đã vận động đề nghị 340 hộ với 1.200 nhân khẩu tại Tổ dân phố Đông Ngạc di tản.
Phường Đông Ngạc đã chuẩn bị 5 Nhà văn hóa cùng 3 trường học trên địa bàn, hỗ trợ người dân tạm trú đến nơi an toàn, tránh ngập lụt và kiểm tra cơ sở vật chất, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tặng những phần quà động viên, khích lệ tinh thần người dân chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 |
Khi có Báo động 2, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các phường di dời dân ra khỏi vực trũng thấp, khu vực nguy hiểm. Đến 7h ngày 11/9 đã di dời 301 hộ với 632 nhân khẩu tại các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An và Yên Phụ. Trong đó có 8 người về Nhà văn hóa để ở tạm.
Đến 11h ngày 11/9, nước lũ dâng nhanh, mực nước sông Hồng đã vượt mức báo động II, chỉ còn cách mức báo động III là 40cm, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ yêu cầu sơ tán các hộ dân tại khu vực khách sạn Thắng Lợi đến Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt khu dân cư, trường học thuộc địa bàn phường ở khu vực trong đê; UBND phường Phú Thượng di dời các hộ dân tại khu vực ngoài đê đến Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt khu dân cư, trường học thuộc địa bàn phường ở khu vực trong đê.
Ấm lòng mùa bão lũ
Khắp Hà Nội, suốt những ngày này ngoài trường học, các hội trường... thì các thiết chế văn hóa cũng đều trở thành nơi để người dân tránh trú ngập lụt an toàn. Có chỗ để ở, đảm bảo được tính mạng qua mùa mưa ngập, người dân Hà Nội còn ấm lòng vì được các cấp chính quyền chăm lo rất tận tình, chu đáo.
Chủ trương của thành phố được lãnh đạo các cấp khi đến thăm hỏi, động viên người dân đang tạm trú tại nhà văn hóa cộng đồng nhắc nhở địa phương phải đặc biệt quan tâm đến các hộ dân bị ngập lụt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men để người dân yên tâm nơi sơ tán.
Người dân được chăm lo chu đáo khi tránh ngập tại nhà văn hóa |
Chắc hẳn rằng, đây sẽ là những kỉ niệm không quên với những người rời ngôi nhà thân yêu của mình để đến với "ngôi nhà chung" đầy ấm áp, nghĩa tình trong những ngày lụt lội nhiều năm mới có một lần như thế này.
Không phải là những buổi sinh hoạt văn hóa mà là nhiều ngày ăn chung, ở chung, sinh hoạt đời thường như những gia đình trong một không gian chung.
Những câu chuyện tâm tình khiến họ kết nối, gần gũi với nhau hơn để cùng sẻ chia, động viên nhau cùng vượt qua những thiệt hại do mưa bão gây ra.
Rồi khi bão lũ qua đi, nước rút xuống, ai nấy đều trở về ngôi nhà quen thuộc của mình, cùng dọn dẹp, vệ sinh môi trường, trở lại nhịp sống bình thường. Tin rằng, những ngày cùng ở Nhà văn hóa, Trung tâm thể thao sẽ là những kỉ niệm vô cùng đẹp mà người dân Thủ đô không bao giờ quên trong đời.
Qua hoạn nạn, gian nan, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt thêm, người dân và chính quyền thấu hiểu, tin tưởng nhau hơn và cùng đồng thuận trước những thời khắc quan trọng.
Bão lũ qua đi, tình người sẽ lại về ấm áp như ánh nắng chan hòa cùng niềm tin về tương lai tươi sáng.