Thịt nhân tạo - thực phẩm của tương lai
Tin tức thế giới 3/12: Singapore cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm Đất nước tỷ dân: Mua thịt lợn như thời bao cấp |
Nhiều công ty đang tập trung phát triển thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Alfa Editores) |
Quốc gia đầu tiên cho phép bán “thịt nhân tạo”
Đảo quốc sư tử đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cho phép bán đại trà thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ngân hàng JPMorgan Chase có trụ sở tại New York (Mỹ), ước tính thị trường thịt nhân tạo có thể đạt con số 100 tỷ USD trong vòng 15 năm tới. Ngân hàng Barclays (Anh) nhận định sản phẩm này có thể chiếm khoảng 10% toàn bộ thị trường thịt thế giới trong 10 năm nữa.
Cơ quan Thực phẩm Singapore đã phê duyệt thịt gà nuôi cấy tế bào của công ty Eat Just, Mỹ. Để đạt được sự chấp thuận này, trong hai năm qua, Eat Just nỗ lực trong việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm mới và chứng minh được quy trình sản xuất nhất quán cho thịt gà nuôi cấy tế bào.
Các cuộc kiểm tra chất lượng và an toàn đã xác định rằng sản phẩm của Eat Just đáp ứng các tiêu chuẩn cho thịt gia cầm. Không những thế, sản phẩm có hàm lượng đạm cao và thành phần axit amin đa dạng, không chứa kháng sinh và vi sinh vật như khuẩn salmonella và E. Coli.
Sản phẩm thịt gà nhân tạo sẽ được bán dưới thương hiệu Good Meat mới, dự kiến ra mắt tại một nhà hàng duy nhất ở Singapore trong thời gian tới.
Eat Just cũng đang trải qua các quy trình quản lý khác để thịt nuôi cấy được chấp thuận ở nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm cả thị trường Mỹ. Eat Just được xếp ở vị trí thứ 21 trong danh sách Disruptor 50 (Top 50 người đột phá) của CNBC năm nay vì những nỗ lực thay đổi ngành nông nghiệp và thực phẩm. Công ty này đã huy động được 300 triệu USD vốn và gần đây nhất được định giá 1,2 tỷ USD.
Trên thế giới, ít nhất 20 công ty đang thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm, bao gồm các loại thịt bò, gà và cá…
Tháng 8/2017, tỷ phú Bill Gates đã hợp tác với doanh nhân Richard Branson, nhà sáng lập Tập đoàn Virgin, để đầu tư 17 triệu USD cho Memphis Meats. Họ đặt cược rất lớn vào công ty sản xuất thịt “sạch” trong phòng thí nghiệm Memphis Meats. Theo ông Bill Gates, việc cung cấp đủ thịt cho 9 tỷ người là không thể. Do đó, thế giới cần nhiều hơn các hình thức sản xuất thịt nhân tạo.
Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách đưa các tế bào gốc từ mỡ hoặc cơ của động vật vào môi trường nuôi cấy để nuôi tế bào, cho phép chúng phát triển |
Xu thế tương lai?
Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách đưa các tế bào gốc từ mỡ hoặc cơ của động vật vào môi trường nuôi cấy để nuôi tế bào, cho phép chúng phát triển. Sau đó, chúng được được đưa vào lò phản ứng sinh học để hỗ trợ sự phát triển của tế bào.
Thịt nhân tạo được đánh giá chứa đầy đủ dưỡng chất và hương vị như thịt tươi sống nhưng lại hạn chế việc giết mổ động vật, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Cách để thực sự giải quyết vấn đề thực phẩm, sức khỏe, nạn phá rừng và vấn đề đạo đức là tạo ra protein động vật trong phòng thí nghiệm”, ông Josh Tetrick, Giám đốc điều hành của Eat Just chia sẻ.
Các chuyên gia thực phẩm nhận định, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra từ tế bào của các loài động vật, quá trình chăn nuôi và giết mổ được loại bỏ hoàn toàn. Do đó, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra bởi chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tương lai.
Bên cạnh đó, thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm cũng đảm bảo loại bỏ các nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đơn cử như dịch tả lợn Châu Phi xảy ra những năm trở lại đây khiến nhiều nước trên thế giới lao đao song nó sẽ không thể trở thành mối đe dọa với thịt nhân tạo.
Thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng đảm bảo lợi ích về môi trường nhờ sử dụng ít tài nguyên đất, nước và an toàn cho người sử dụng so với thịt truyền thống.
Môi trường ô nhiễm, dân số bùng nổ, trong tương lai không xa, con người sẽ đối mặt với nạn đất đai canh tác ngày càng thu hẹp, nguồn lương thực thực phẩm ngày càng khan hiếm… Lượng tiêu thu thịt của thế giới đã tăng gấp đôi trong một thế kỷ qua và lượng thịt cần để đáp ứng nhu cầu của con người dự kiến lên đến 470 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. An ninh lương thực càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc sử dụng nguồn thực phẩm thay thế như thịt nhân tạo được coi là một giải pháp tốt.
Mặt khác, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm còn có thể được tinh chỉnh đa dạng về mặt dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn cho cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tufts, Mỹ đã biến đổi gen tế bào bò để tạo ra thịt bò nuôi trong phòng thí nghiệm có chứa beta-carotene, một chất dinh dưỡng thực vật có trong cà rốt và cà chua được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể người.
“Bò không có bất kỳ gen nào để sản xuất chất beta-carotene. Do đó, chúng tôi đã thiết kế các tế bào cơ bò đặc biệt có thể cấy gen dinh dưỡng thực vật vào đó”, tác giả chính của nghiên cứu, ông Andrew Stout giải thích.
Nghiên cứu này mang lại nhiều ứng dụng tiềm năng. Bởi không chỉ bổ sung dinh dưỡng theo giả thuyết mà thịt chế tạo từ phòng thí nghiệm có thể chứa các dưỡng chất thuốc hoặc hợp chất sinh học khác giúp tăng cường khả năng hấp thụ thuốc trong quá trình điều trị thông qua việc ăn uống.
“Thịt gà nhân tạo” của công ty Eat Just (Ảnh: Eat Just) |
Nhiều ý kiến trái chiều
Sự phát triển của thịt nhân tạo cũng gây nhiều tranh cãi. Nó còn bị cho là đe dọa ngành chăn nuôi, giết mổ truyền thống.
Nhiều hiệp hội chăn nuôi gia súc kêu gọi người tiêu dùng nên chọn lựa sự tự nhiên và nguyên bản. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức giám sát đối với hải sản, thịt gia cầm và thịt bò nuôi cấy tế bào từ năm 2019. Vào tháng 8/2018, Missouri trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban hành lệnh cấm các nhà sản xuất thực phẩm gọi thịt nhân tạo là “thịt”.
Mặt khác, một rào cản lớn nữa trong việc đưa thịt nhân tạo vào thương mại là chi phí sản xuất khá cao. Năm 2013, một chiếc bánh hamburger của công ty khởi nghiệp Mosa Meat ở Hà Lan có giá tới 280.000 USD/chiếc. Tuy nhiên, chi phí đã giảm mạnh trong những năm qua do quy mô ngày càng tăng.
Quay trở lại với Eat Just, sản phẩm thịt gà nhân tạo của công ty sẽ được bán với mức giá tương đương với thịt gà cao cấp trong 6 tháng đầu tiên. Giá cả sẽ giảm dần sau khi công ty đạt được quy mô toàn cầu và hướng tới mức giá thấp hơn so với thịt gà thông thường.