Thu nhập của người dân Thanh Oai tăng gấp 6 lần sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới
Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thông tin về kết quả xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn
Bài liên quan
Huyện Thanh Oai: Nhiều xã phấn đấu xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Tuổi trẻ Thanh Oai chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, đến nay huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với tiêu chí huyện NTM, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí và đã trình TP thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Hiện nay, huyện đang tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, TP hoàn thiện lại báo cáo và khắc phục một số nội dung công việc để đảm bảo trình Trung ương đánh giá xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020.
Sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đời sống của người nông dân trên địa bàn đã được nâng cao. Quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản từng bước được chuẩn hoá và hiện đại. Huyện đã thực hiện xây mới 60 trường học (gồm 2 trường THPT, 14 trường THCS, 25 trường tiểu học, 19 trường mầm non); Cải tạo sửa chữa 17 trường học (gồm 1 trường THPT, 6 trường THCS, 6 trường tiểu học, 4 trường mầm non).
Đến nay, 4 cấp trường trên địa bàn huyện có 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 77,02%. Trong đó: Cấp mầm non có 22/26 trường, đạt 75%; Cấp tiểu học 17/24 trường, đạt 70,83% (có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2); 16/21 trường cấp THCS đạt chuẩn quốc gia chiếm 76,19% và 2/3 trường cấp THPT đạt chuẩn quốc gia chiếm 66,66%.
Đối với tiêu chí văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng được các cấp, ngành và người dân quan tâm đầu tư. Từ năm 2010 đến tháng 6/2020, ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư xây mới, nâng cấp tu sửa; Trong đó xây mới 74, cải tạo nâng cấp 20 nhà văn hóa với tổng kinh phí 281.321 triệu đồng.
Hiện nay, 114/114 thôn đã có nhà văn hoá và nơi sinh hoạt hội họp trong đó có 68 nhà văn hoá cơ bản đạt chuẩn. Hệ thống sân bãi, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp trên địa bàn.
Đặc biệt, sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình người của huyện năm 2019 đạt 48,56 triệu đồng/năm (tăng 40,53 triệu đồng, gấp 6 lần so với năm 2010).
Các hộ nghèo trên địa bàn đều được quan tâm hỗ trợ xây sửa nhà ở, tư liệu sản xuất, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… để ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
Kết quả cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 11,42%; Đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,57%; Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 0,78%, cận nghèo là 3,05%. Dự kiến đến cuối năm 2020, địa phương sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,5%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,95%...
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến cả về năng suất và chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác tăng qua các năm. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề và dịch vụ. Nhiều nghề truyền thống ở nông thôn được duy trì và mở rộng đã tạo thêm nhiều việc làm. Thu nhập của người dân được tăng lên qua các năm, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững ở nông thôn.