Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiểm soát chặt dịch, giảm tối đa ca chuyển nặng và tử vong
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh Nhật Bắc) |
Phấn đấu đến 31/1/2022 tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi
Ngày 10/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NC-CP, chúng ta đã hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác"; Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; Tình hình kinh tế-xã hội đang được phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, kết quả trên chứng minh Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành kịp thời, đúng hướng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân do có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu và có quan niệm sai khi cho rằng đã tiêm vắc xin thì không bị lây nhiễm dịch.
Thủ tướng phân tích, việc số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong đa số do chưa được tiêm vắc xin và có bệnh nền, trong khi y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu; Tiến độ tiêm vắc xin vẫn chưa đạt mong muốn; Chính quyền tại nơi dịch diễn biến xấu chưa có biện pháp tốt quản lý rủi ro.
Thủ tướng nhận định, trong thời gian tới diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp; Hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; An sinh, xã hội còn tiềm ẩn; Thị trường lao động vẫn còn khó khăn, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn còn xảy ra, nhất là tại các khu công nghiệp... Đặc biệt, chủng virus Omicron đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và có thể xuất hiện thêm các biến chủng mới...
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải kiểm soát chặt chẽ dịch, giảm tối đa ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19; phấn đấu đến ngày 15/12, chậm nhất đến hết tháng 12/2021 hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; Khẩn trương tiêm vắc xin mũi 3 cho tất cả các đối tượng cần thiết như lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền; Phấn đấu đến 31/1/2022 tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.
Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng giao bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước để triển khai.
Người nào không chịu tiêm vắc xin, khi mắc COVID-19 phải tự chi trả chi phí
Về biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, song không hốt hoảng, mất bình tĩnh. Kiên định quan điểm người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; Tiếp tục hoàn thiện các nội dung theo Nghị quyết 128/NQ-CP phù hợp với tình hình, sát thực tế theo từng giai đoạn và diễn biến của dịch.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả |
"Kiên trì, thực hiện nhất quán, tổng thể, liên thông trên toàn quốc Nghị quyết 128/NQ-CP. Không địa phương nào được ban hành các quy định trái với Trung ương. Trong trường hợp có vướng mắc, không phù hợp thì báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia và Chính phủ để xem xét", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các ngành, địa phương kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột và công thức đã được xác định; Hướng dẫn người dân tự xét nghiệm. Thần tốc hơn nữa trong việc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin đảm bảo khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả; Khắc phục bằng được các sự cố liên quan đến vắc xin trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vét vắc xin. Người nào không chịu tiêm vắc xin, khi bị mắc COVID-19 phải tự chi trả chi phí chữa bệnh. Không để thiếu vắc xin và lực lượng tiêm vắc xin.
Ngoài tính toán nhập khẩu, phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước, đảm bảo an toàn, hợp lý, hiệu quả, trên tin thần tinh mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu về vắc xin, thuốc điều trị và nhân lực tiêm vắc xin. Nếu thiếu thì báo cáo Chính phủ ngay để có phương án phân bổ, điều chuyển, hỗ trợ; Cân đối nguồn lực để tăng cường cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; Rà soát và thực hiện an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết 86/NQ-CP, dứt khoát không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; khôi phục thị trường lao động.
Các địa phương đề xuất chế độ, chính sách đối với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; Xây dựng lộ trình mở lại các đường bay quốc tế đảm bảo an toàn; Chủ động tuyên truyền để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; Tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch. Lãnh đạo các địa phương phải gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp, người lao động để có các giải pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển sản xuất.